Không hề quá khi nói rằng công việc là thứ gắn liền với cuộc đời bạn lâu hơn bất cứ điều gì khác. Ở độ tuổi từ 20 – 50, bạn sẽ gặp đồng nghiệp nhiều hơn cả gặp bố mẹ mình. Đồng nghiệp có thể là người giúp đỡ bạn hết mình, cũng có thể là người sẽ đem lại cho bạn vô vàn mệt mỏi và buồn bực. Vì lẽ đó, xây dựng và duy trì tình đồng nghiệp tốt đẹp sẽ giúp cuộc sống chốn công sở của bạn trở nên vui vẻ và sinh động hơn rất nhiều.
Một lời nói thốt ra giống như viên đá ném xuống mặt hồ phẳng lặng. Hòn đá đã chìm sâu nhưng những gợn sóng mà nó tạo ra vẫn lan dài và còn mãi…
“Để tình đồng nghiệp ngày càng gắn bó, có những câu mà chúng ta nên tránh dù hai bên có thân thiết đến mức nào đi nữa.”
Những câu nói tưởng bình thường nhưng vô tình ảnh hưởng đến tình đồng nghiệp
“Ý tưởng này rất tốt nhưng rất tiếc…”
Lan Anh và Hà Thu cùng là thành viên của một nhóm Google Ads thường xuyên có những buổi brainstorming đầy ý tưởng thú vị. Một lần, Lan Anh đã bày tỏ sự tán thành với ý tưởng của đồng nghiệp nhưng vẫn muốn góp ý và điều chỉnh thêm một số chỗ nên đã nói “Ý tưởng này rất tốt, có thể loại bỏ các vấn đề X, Y nhưng…”? Mọi chuyện tốt đẹp cho đến khi từ “nhưng” định mệnh xuất hiện. Ai tinh ý đều nhận thấy gương mặt của Hà Thu từ hào hứng nhanh chóng chuyển sang cứng đơ.
Cách nói của Lan Anh không sai nhưng có thể khiến mức độ công nhận mà cô ấy dành cho người đồng nghiệp giảm đi đáng kể. Ai từng ở vị trí của Hà Thu sẽ hiểu chưa kịp cảm nhận cảm giác được khen ngợi đến tận mây xanh đã bị đạp thẳng xuống hố là như thế nào. Hụt hẫng vô cùng!
Nếu kịch bản được thay đổi bằng “Mình thấy ý tưởng này rất tốt, hơn nữa nếu bổ sung thêm chỗ này một chút xíu thì kết quả thu được sẽ càng tốt hơn” thì có lẽ mọi chuyện đã khác, mối quan hệ giữa đồng nghiệp sẽ không lạnh lùng như hiện tại. Dù biết rằng đang được góp ý nhưng Hà Thu chắc sẽ vui vẻ lắng nghe và tiếp thu. Làm sao mà không xiêu lòng trước những lời êm tai như vậy chứ?
“Bạn nghĩ sao vậy?”
Bất đồng quan điểm luôn xảy ra hàng ngày hàng giờ nơi công sở. Tuy nhiên, chúng ta nên hạn chế đổ thêm dầu vào lửa hay bày tỏ sự bất mãn của mình ngay giữa chốn đông người theo cách mà Minh Ngọc đã làm: “Bạn nghĩ sao vậy?”, “Làm sao mà nghĩ như thế được không biết?” khi nhận xét về ý kiến của đồng nghiệp. Không chỉ là thiếu tế nhị và không biết cách kiểm soát cảm xúc, cách làm này còn khiến cho bất đồng lên đến đỉnh điểm và tình đồng nghiệp chưa kịp nở đã chóng phai. Chưa kể chỉ vài từ ngắn gọn đó thôi cũng khiến người nói nhận về ánh mắt thiếu thiện cảm từ những người xung quanh.
“Thà thẳng thắn nói rằng “Tôi không đồng ý với quan điểm này cho lắm” sẽ còn dễ chịu hơn gấp ngàn lần câu “Bạn nghĩ sao vậy?” chứa đầy sự mỉa mai, xem thường” – Anh Thư, nhân viên sales chia sẻ. “Và tốt hơn nữa là nêu ra điểm chưa đồng tình với giọng điệu khuyến khích người nói giải thích chi tiết hơn. Đồng nghiệp dù gặp nhau hàng ngày, có thể nói đủ thứ chuyện trên đời dưới đất cùng nhau nhưng họ cũng có những hỉ, nộ, ái, ố thường tình. Đó là lí do vì sao mình luôn cư xử với đồng nghiệp chẳng khác nào khách hàng. Nhiều người nói rằng như thế là quá khách sáo, không thật lòng nhưng mình nghĩ đó là thái độ khéo léo, lịch sự mà ai cũng muốn nhận được”.
“Lần này mà làm không tốt thì…”
“Sếp giao cho nhóm mình một dự án mới và mong mọi người nỗ lực hết mình để đem lại kết quả tốt nhất. Sếp vừa bước ra khỏi phòng, tiếng ai đó vang lên “Lần này mà làm không xong thì mất việc cả đám”. Dù là câu nói vu vơ nhưng Minh Phát – người vừa bị sếp phê bình cho rằng đồng nghiệp đang ám chỉ mình. Anh vốn đang chán nản lại càng mất tinh thần hơn. May nhờ có cô bạn thân bên cạnh động viên “Cơ hội của anh đó, cố gắng làm thật tốt nhé”, anh mới nở một nụ cười gượng” – Minh Hòa, Nhân viên Thị trường kể lại.
“Rõ ràng là câu nói của bạn đồng nghiệp kia không mang lại giá trị gì cho nhóm ngoài việc tạo áp lực cho nhau. Không phải lúc nào đồng nghiệp của chúng ta cũng là lạc quan, yêu đời, tràn đầy sinh khí và năng lượng. Vậy nên hãy chú ý hơn đến ngôn từ, tránh việc thích gì nói nấy hay nói chuyện một cách quá hồn nhiên, có thể vô tình khiến họ rơi vào trầm tư. Mình từng cho rằng những lời động viên là sáo rỗng, vô nghĩa nhưng những lúc tụt mood rồi mới thấy thèm nghe lời tích cực biết bao” – Hòa chia sẻ.
“Sếp tuyển người mới để thay thế cậu đấy”
“Khi sếp yêu cầu tuyển dụng thêm nhân sự ở vị trí mà bạn và những người xung quanh đều cảm thấy không thật sự cần thiết, có bao giờ bạn nghe đồng nghiệp nói rằng “Sếp tuyển người mới để thay thế cậu đấy” giống mình hay không? Từ lúc nghe vậy đến khi biết rằng đó không phải là ý định của sếp, mình luôn sống trong cảm giác bồn chồn, lo lắng, thậm chí còn dễ phát quạu” – Hương Phạm, Nhân viên Hành chính nhớ lại.
Có những câu nói dù là lời trêu đùa vô hại nhưng khi đến tai người trong cuộc, đó lại trở thành điều tiêu cực, khiến họ chùng xuống, nảy sinh tâm lý lo lắng và không còn tìm thấy niềm vui trong công việc. Đặc biệt còn có thể khiến họ có tâm lý ghét bỏ, cư xử tệ với những người đồng nghiệp mới. Vậy nên, khi không thực sự chắc chắn về tính chân thực của điều mình nói, thay vì khẳng định rằng “Sếp tuyển người mới để thay thế cậu đấy”, hãy nhìn mọi thứ dưới con mắt lạc quan hơn để tình đồng nghiệp tươi sáng hơn, chẳng hạn như “Chúc mừng nha, sắp có người hỗ trợ cho cậu rồi”.
“Nhỏ này ăn khỏe quá!”
Xếp ở cuối danh sách là một câu nói không thuộc phạm trù công việc mà thiên về tính cách và thói quen ăn uống của đồng nghiệp. Trong một tập thể, chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp những người có khả năng ăn uống thần sầu, chẳng hạn như Hồng Xuân, một cử nhân vừa ra trường. Bữa sáng của Xuân thường là một tô hủ tiếu kèm theo ổ bánh mì thịt hay một phần súp cua kèm theo gói xôi mặn vì “Ăn vậy em mới thấy no”. Ai cũng khâm phục khả năng ăn uống, ao ước sở hữu cái nết dễ ăn của cô.
Bữa nọ khi tham gia tiệc công ty, nhóm của Xuân cùng ngồi chung với hai chị ở khác bộ phận. Một chị không giấu nỗi sự ngạc nhiên và thán phục “Nhìn nhỏ này ăn ngon miệng quá ha. Ước được như em quá!” Xuân cười xởi lởi như được mùa. Nhưng nụ cười kia chợt tắt khi chị còn lại xen vào “Nhỏ này ăn khỏe ghê. Nãy giờ chưa ngừng đũa”.
Những người có tính cách xởi lởi sẽ không quá để tâm đến những câu nói vu vơ của ai đó nhưng những người hay tự ái sẽ rất dễ cảm thấy xấu hổ trước câu nói như vậy vì họ tin rằng đó là lời chê bai dành cho mình, đặc biệt là với nữ giới. Nếu nhận thấy không thể nói những lời hay thì thà im lặng thay vì nói ra những điều khiến họ tổn thương.
Hẳn nhiên, mọi quy tắc ứng xử trên đời đều cần sự linh hoạt, uyển chuyển thay vì áp dụng một cách cứng nhắc. Có lúc chúng ta cần sự hòa nhã, lịch sự nhưng cũng có trường hợp cần cứng rắn và kiên quyết hơn. Do đó, tùy vào từng tình huống cụ thể, hãy khéo léo áp dụng các quy tắc ứng xử để “vừa lòng mình, đẹp lòng người” và bảo vệ tình đồng nghiệp khỏi bị hao mòn sứt mẻ nhé.
Trang Đoàn