Mục Lục
Khi bạn luôn nhìn đồng hồ đếm ngược từng giờ cho đến khi tan ca hay nhận ra mình đang mắc kẹt trong một môi trường độc hại, đó là lúc bạn nghĩ rằng bạn cần tìm một công việc mới. Mặc dù triển vọng về một vị trí mới khiến bạn hào hứng, nhưng nó cũng làm bạn phân vân không biết có nên tìm việc mới khi đang có việc hay không, cần tiếp cận quá trình này sao cho vẹn cả đôi đường… Những câu hỏi quan trọng nhất xung quanh vấn đề này sẽ được chị Dương Thị Ngọc Lan, Trưởng phòng Nhân sự giải đáp ngay sau đây.
Bạn có nên tìm việc mới khi đang có việc làm không?
“Hầu hết các chuyên gia nghề nghiệp sẽ khuyên bạn nên bắt đầu tìm kiếm việc làm khi vẫn đang làm việc. Và tôi hoàn toàn đồng ý với điều này”, chị Ngọc Lan chia sẻ.
“Tìm việc mới khi đang có việc sẽ giúp bạn được săn đón nhiều hơn với tư cách là một nhân viên và bạn cũng có lợi thế trong đàm phán.”
Chị giải thích “Thứ nhất là vì điều này sẽ giúp bạn được săn đón nhiều hơn. Các nhà tuyển dụng tin rằng khi đang có việc làm có nghĩa là bạn có các kỹ năng được cập nhật thường xuyên. Nếu hiện tại bạn không có việc làm, điều đó sẽ đặt ra rất nhiều câu hỏi”.
Theo chị thì lí do thứ hai là khi tìm việc trong khi vẫn đang có việc làm, bạn sẽ chịu ít áp lực hơn. Nếu bạn không nhận được công việc mới, bạn vẫn còn công việc hiện tại và yên tâm tìm tiếp tục tìm kiếm các vị trí khác. Bạn sẽ không rơi vào tình thế tuyệt vọng như một người đang thất nghiệp.
Hơn nữa, có việc làm trong khi tìm kiếm việc mới sẽ mang lại cho bạn nhiều lợi thế khi đàm phán các điều khoản với nhà tuyển dụng. Bạn đang ở vị thế tốt hơn để đưa ra các yêu cầu và đạt được điều mình muốn. Nếu hiện tại không có việc làm, lợi thế này là bằng không.
“Mặc dù có nhiều lợi thế nhưng vẫn có những rủi ro liên quan đến việc tìm việc trong khi vẫn đang đi làm”, chị Ngọc Lan cảnh báo. Bạn nên tiếp cận quá trình này một cách cẩn thận bởi vì vẫn còn trách nhiệm với vai trò hiện tại của mình. Điều này sẽ dẫn chúng ta đến với những câu hỏi tiếp theo.
Bạn nên tìm việc vào thời điểm nào?
Có lẽ bạn nghĩ rằng sẽ tranh thủ một chút thời gian vào đầu giờ làm hoặc giờ nghỉ trưa để lướt nhanh qua các trang tuyển dụng. Tuy nhiên, chị Ngọc Lan cho rằng tốt hơn hết bạn nên tìm việc làm ngoài giờ làm việc.
Chị nói “Bạn cần tạo một lịch trình dễ tuân thủ để dành thời gian cho việc tìm kiếm của mình. Có thể là dành 2 tiếng buổi sáng thứ 7 hoặc chủ nhật hay đặt ra quy định là mỗi tối phải dành 1 tiếng để tìm việc. Bằng cách tạo ra lịch trình cụ thể và bám sát vào đó, bạn có thể đảm bảo rằng mình có thời gian để tìm kiếm việc làm thành công”.
Làm sao bạn có thể sắp xếp thời gian phỏng vấn mà không ai phát hiện ra?
“Một số người xem báo ốm như một lựa chọn thông minh, nhưng tôi khuyên bạn không nên làm vậy. Sếp của bạn vẫn có thể muốn bạn tham gia buổi họp online quan trọng từ nhà và bạn sẽ phải giải thích nhiều hơn. Hãy tận dụng những ngày phép của mình và xin nghỉ một ngày để không bị phân tâm”, chị Ngọc Lan gợi ý.
Nếu vì lí do nào đó bạn chỉ xin nghỉ được nửa ngày và phải ăn mặc theo phong cách khác thường ngày khi đi phỏng vấn, hãy mang theo quần áo để thay sau đó hoặc ghé qua nhà để thay đổi trước khi lên đường đến văn phòng. Nếu bạn đến làm việc trong bộ đồ vest chỉn chu trong khi thường mặc đầm công sở, mọi người sẽ thắc mắc và bạn buộc phải nói dối.
Mặt khác thì theo chị Ngọc Lan, trong quá trình tìm việc mới khi đang có việc, bạn hoàn toàn có thể điều chỉnh lịch phỏng vấn đề phù hợp với thời gian làm việc của mình. Điều này sẽ càng khiến bạn trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà tuyển dụng chứ không phải mất lòng họ đâu. Nếu bạn nói với họ rằng bạn khôngs muốn việc phỏng vấn làm ảnh hưởng đến công việc hiện tại, họ sẽ thấy rằng bạn có sự cam kết, chính trực và sẵn sàng phỏng vấn bạn ngoài giờ làm việc.
Làm sao cung cấp thông tin người tham khảo khi được yêu cầu?
Bạn không muốn đồng nghiệp và sếp hiện tại biết bạn đang tìm kiếm cơ hội mới, điều này đặt ra vấn đề nhức nhối về người tham khảo.
“Nhưng đừng lo lắng”, chị Ngọc Lan trấn an. “Người tham khảo không nhất thiết phải từ công việc hiện tại của bạn. Người tham khảo từ các vai trò trước đây vẫn có thể có tác động rất lớn. Lời giới thiệu từ người giám sát hoặc trưởng nhóm cũ của bạn sẽ hữu ích hơn rất nhiều so với lời giới thiệu từ một người mà bạn tin tưởng ở công việc hiện tại mà bạn không hợp tác chặt chẽ”.
Nói về điều này, chị Ngọc Lan nhớ đến cách trả lời mà chị rất ấn tượng khi phỏng vấn ứng viên trước đây “Em có hơn 5 năm kinh nghiệm làm công việc này và em rất vui được giúp anh/chị liên hệ với bất kỳ ai mà anh/ chị muốn nói chuyện về những công việc trước đây của em, từ quản lý, đồng nghiệp hay thậm chí là khách hàng nhưng em không thể cung cấp thông tin sếp hiện tại vì sếp không biết em đang tìm việc mới”.
Có rất nhiều lý do chính đáng để bạn muốn giữ bí mật quá trình tìm việc mới. Và hầu hết nhà tuyển dụng đều hiểu điều đó. Nhưng nếu họ không đả động gì đến thì sao? “Thì lúc đó bạn cần phải quyết định xem liệu bạn có chắc chắn nhận được việc để đồng ý với yêu cầu của họ hay không. Nếu có đi chăng nữa thì bạn cũng nên thận trọng khi tiếp tục hợp tác với một công ty thiếu quan tâm đến an toàn công việc của bạn. Đó không phải là một dấu hiệu của một nhà tuyển dụng tuyệt vời”, chị Lan phân tích.
Nên làm gì nếu người quản lý biết ý định của bạn?
Rõ ràng là bạn đang cố gắng giữ bí mật chuyện tìm việc mới khi đang có việc nhưng nếu sếp chất vấn bạn về điều đó, hãy thành thật. “Nói dối sẽ không mang lại bất kỳ lợi ích nào cho bạn, ngược lại nó còn gây nguy hiểm cho công việc hiện tại của bạn”, chị Ngọc Lan khẳng định. “Trung thực, trong trường hợp tốt nhất, sẽ mang đến cho bạn và sếp cơ hội nói chuyện thẳng thắn về điều gì khiến công việc đó phù hợp hơn với bạn và biết đâu bạn sẽ được thăng chức, tăng lương hoặc hưởng thêm các đặc quyền khác – những điều khiến bạn muốn ở lại”.
Huỳnh Trâm