Giải thích về khoảng thời gian thất nghiệp trong buổi phỏng vấn có thể gây căng thẳng cho bất kỳ ai bởi điều này có thể khiến bạn bị đánh giá thấp và mất đi cơ hội được tuyển dụng. Tuy nhiên, bạn cũng đừng quá lo lắng bởi bạn hoàn toàn có thể biến khoảng “thời gian trống” đó thành lợi thế của mình. Những chiến lược sau đây sẽ giúp bạn xử lý tình huống khó nhằn này như một người chuyên nghiệp, hãy cùng tham khảo nhé!
Trung thực
Mặc dù việc chấm dứt hợp tác với công ty cũ có phải là sự tự nguyện hay không nhưng điều quan trọng là bạn nên thành thật. Rõ ràng là bạn sẽ không thể giấu được rằng bản thân đã trải qua thời gian thất nghiệp bởi hồ sơ và lịch sử công việc của bạn đã phần nào nói lên điều đó. Vì vậy, hãy thẳng thắn đi trực tiếp vào vấn đề. Điều này sẽ chứng minh được giá trị của bạn với nhà tuyển dụng tiềm năng và giúp bạn tạo được ấn tượng tốt hơn bởi sự “dám thừa nhận” của mình. Sự thật thà và trung thực sẽ rất có “trọng lượng” khi nhà tuyển dụng đưa ra quyết định việc làm cuối cùng.
Đưa ra lí do ngắn gọn
Dù việc cần thiết là đưa ra lời giải thích cho nhà tuyển dụng nhưng bạn không nên để điều này chiếm quá nhiều thời gian phỏng vấn. Vì vậy, hãy đưa ra lời giải thích ngắn gọn tại sao bạn rời bỏ công việc trước đây. Trong đó, nên tránh sử dụng các từ như “bị sa thải”, “bị cho nghỉ việc” hoặc “cắt giảm nhân sự”. Tương tự vậy, cũng đừng đưa ra những nhận xét không tốt về người quản lý hoặc công ty cũ. Nếu không, điều này sẽ khiến bạn trông “xấu xí” và nhà tuyển dụng sẽ có những nhận xét không hay về bạn. Bạn có thể làm cho không khí dễ chịu và nhẹ nhàng hơn bằng cách bày tỏ sự cảm kích bên cạnh việc đưa ra lí do, chẳng hạn “Tôi đã học được rất nhiều thứ ở công ty cũ. Tôi rất biết ơn về những kinh nghiệm và cơ hội mà họ đã cho tôi.”
Hướng về tương lai
Ngay khi có thể, hãy hướng cuộc trò chuyện về cách bạn sẽ thực hiện công việc và đóng góp cho công ty đang ứng tuyển. Thay vì nhắc lại quá nhiều về thời gian không vui, hãy thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy bạn rất hào hứng và sẵn sàng bắt đầu công việc mới. Chẳng hạn, “Tôi quyết định nghỉ ngơi vào thời điểm đó nhưng hôm nay tôi đã sẵn sàng đóng góp cho công ty theo những cách sau đây…” hoặc “Tôi rất tiếc khi phải rời khỏi vị trí cũ nhưng tôi rất vui được vận dụng các kỹ năng và kinh nghiệm đã có vào công việc mới này. Anh/chị có muốn nghe qua về dự án gần đây mà tôi đã thực hiện không?”
Nói về kỹ năng và bằng cấp đạt được trong thời gian thất nghiệp
Hy vọng rằng bạn không để thời gian của mình trôi qua một cách vô ích khi chưa tìm được việc làm và đã tận dụng nó để lấy được một bằng cấp/chứng chỉ mà giờ đây sẽ rất có ích cho công việc đang ứng tuyển.
Tuy nhiên, ngay cả khi bạn không tham gia các khóa học, bạn vẫn có thể có được một số kỹ năng liên quan từ các hoạt động tình nguyện, sở thích cá nhân và từ các công việc bạn đã làm trong thời gian này. Vì vậy, hãy chắc chắn rằng bạn đã đề cập đến tất cả những điều bạn đã học trong khi thất nghiệp và nhà tuyển dụng sẽ ấn tượng bởi khả năng tận dụng tối đa mọi tình huống của bạn.
Thất nghiệp không phải là điều quá đáng sợ. Bạn thực sự có thể sử dụng nó như là một lợi thế để chứng minh niềm đam mê của mình cho công việc và sự nhiệt tình cho vị trí ứng tuyển. Hy vọng bạn sẽ áp dụng tốt những chiến lược trên đây để sớm có được công việc như mong ước.
Hoàng Oanh