Làm sao để trả lời câu hỏi: “Bạn có muốn hỏi câu hỏi gì không?”

Trong quá trình phỏng vấn xin việc, có một câu hỏi mà hầu như tất cả các buổi phỏng vấn đều xuất hiện, và đây cũng là một trong những câu hỏi khiến các ứng viên bối rối thường vào thời điểm cuối buổi phỏng vấn. Đó là câu hỏi: “Bạn có muốn hỏi câu hỏi gì không?”

Đừng bao giờ nói rằng “Tôi không có câu hỏi nào cả!”. Mắc sai lầm khi nói “Không” sẽ khiến nhà tuyển dụng có những đánh giá thấp về bạn. Ngược lại, nếu hỏi được những câu hỏi giá trị, bạn sẽ cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn có sự quan tâm đến công việc và đã có sự chuẩn bị; đồng thời những câu trả lời từ nhà tuyển dụng sẽ giúp bạn có một quyết định sáng suốt hơn về việc có nên làm việc ở đây hay không. Một buổi phỏng vấn luôn là một quá trình hai chiều, bạn chắc chắn sẽ muốn biết mình có thực sự phù hợp với công việc này và cơ hội thành công ở vị trí mới khả quan như thế nào, phải không? Dưới đây, CareerLink.vn sẽ giới thiệu đến bạn những thông tin và một vài ghi chú nhỏ để bạn có thể chuẩn bị câu trả lời khi được hỏi câu trả lời một cách tốt nhất.

3 lý do bạn nên chuẩn bị những câu hỏi tốt nhất cho phỏng vấn xin việc

Nếu bạn không hỏi những câu hỏi đúng trong quá trình phỏng vấn, khả năng cao là bạn sẽ không còn có cơ hội có được công việc này. Và nếu bạn có được nó, bạn có thể sẽ hối hạn vì đã không hỏi nhiều hơn trong quá trình phỏng vấn đấy!

Lý do thứ nhất: Để cho thấy cách bạn sẽ tiếp cận công việc như thế nào

Hầu hết các nhà tuyển dụng coi toàn bộ quá trình ứng tuyển và phỏng vấn là một giai đoạn tập sự cho công việc. Bạn sẽ được quan sáng và đánh giá (và chắc chắn bạn  cũng có thể quan sát cách làm việc của nhà tuyển dụng như thế nào).

Từ chất lượng của hồ sơ ứng tuyển của bạn, cách thức bạn thể hiện với nhân viên tiếp tân, cách ăn mặc và các bạn trả lời những câu hỏi,.. – toàn bộ quá trình này sẽ cho bạn một cơ hội để cho nhà tuyển dụng thấy cách bạn tiếp cận với công việc như thế nào.

Lý do thứ hai: Để cho thấy bạn quan tâm đến công việc ra sao

Hãy thể hiện sự quan tâm của bạn đối với công việc bằng cách hỏi những câu hỏi về công việc đó và về các tổ chức (tuy nhiên bạn không nên hỏi về tiền lương hay quyền lợi trong vòng phỏng vấn xin việc đầu tiên). Các nhà tuyển dụng thường có nhiều ứng  viên để lựa chọn cho vị trí công việc bạn đang ứng tuyển, do đó họ sẽ chú ý nhiều hơn đến những ứng viên nào thực sự quan tâm đến quá trình làm việc tại công ty và cả công việc đang ứng tuyển nữa.

Lý do thứ 3: Để xác định xem bạn có thực sự muốn làm việc ở đây hay không 

Xuất phát từ kinh nghiệm cá nhân của nhiều ứng viên, bạn rất dễ rơi vào việc mong muốn trở thành ứng viên sáng giá nhất mà quên mất việc tìm hiểu bạn có thực sự mong muốn làm việc ở đó hay không.

Nếu bạn đã có câu hỏi rõ ràng, dựa trên những sự chuẩn bị của bản thân và những mô tả công việc sẵn có, bạn có thể có thêm những câu hỏi mới và muốn có được câu trả lời. Quá trình hỏi và trả lời trong suốt cuộc phỏng vấn có thể là được khởi mào và có nhiều điều thú vị bắt đầu từ những gì trao đổi.

Một số câu hỏi bạn nên hỏi trong buổi phỏng vấn

Không nên hỏi những câu hỏi có thể được trả lời một cách đơn giản theo kiểu “Có” hoặc “Không”. Bản thân bạn muốn hỏi để có thêm thông tin, do đó hãy hỏi những câu hỏi mở để nhà tuyển dụng có thể trả lời cho bạn được nhiều thông tin hơn theo hướng mà bạn muốn biết.

Những  câu hỏi về công việc

– Anh/chị có thể nói rõ thêm về những công việc chưa được nói đến trong mô tả công việc không?

– Những định hướng cụ thể của công ty cho vị trí này là gì?

– Đây là một vị trí mới hay là tuyển người cho một vị trí cũ?

– Nếu là một vị trí cũ, lý do vì sao họ lại không làm ở vị trí này nữa?

– Một ngày làm việc điển hình của vị trí này có thể được miêu tả như thế nào?

– Thời gian vất vả nhất trong năm của vị trí này là thời gian nào? Tại sao?

– Điều gì là quan trọng để một người có thể thành công ở vị trí này?

– Những kỹ năng nào là quan trọng nhất để làm tốt công việc ở vị trí này?

– Thử thách lớn nhất phải đối mặt hàng ngày khi làm việc ở vị trí này là gì?

– Nếu một người thất bại ở vị trí này thì lý do tại sao họ lại thất bại?

Những câu hỏi về tổ chức

– Có bao nhiêu người trong bộ phận này?

– Có bao nhiêu người đã tham gia bộ phận này trong năm qua?  

– Trong một công ty phát triển, một vài người có thể được thêm vào. Nhưng đối với một nơi làm việc gian khổ, một vài người có thể sẽ chuyển đi.

– Mọi người thường làm việc ở đây trong thời gian kéo dài bao nhiêu năm?

– Mọi người đánh giá về sự thành công ở công ty này như thế nào?

– Người quản lý đánh giá về nhóm làm việc này như thế nào?

– Dự kiến sau năm năm nữa thì bộ phận này sẽ như thế nào?

– Các nhân viên thường sẽ nhận được phản hồi hoặc nhận xét công việc như thế nào và khi nào? Đối với những báo cáo thông thường thì khoảng thời gian nào là phù hợp để báo cáo?

Những câu hỏi về người phỏng vấn bạn

– Anh/chị đã làm việc ở đây bao lâu rồi ạ?

– Anh/chị có thích làm việc ở đây không? Vì sao?

– Tại sao anh/chị lại thành công ở công ty này?

Vào cuối buổi phỏng vấn, bạn hãy nhớ hỏi những thông tin sau

– Điều gì sẽ diễn ra tiếp theo trong quá trình này? (một vòng phỏng vấn khác hoặc kiểm tra những thông tin liên quan,…)

– Nếu được nhận việc thì thời gian làm việc sẽ bắt đầu vào khi nào?

– Tôi có thể giữ liên lạc với ai để có thể biết được thông tin sau phỏng vấn?

Những câu hỏi bạn không nên hỏi

Đừng bao giờ hỏi những câu hỏi mà Google hay website của công ty có thể giúp bạn trả lời ngay lập tức, ví dụ như:

– Công ty này làm gì?

– Ai là người đầu tư?

– Công ty này thành lập được bao lâu?

– Ai là người đầu tư chính cho  công ty này?

Những câu hỏi mang tính cá nhân hóa và mang tính đàm phán trong hợp đồng như các kỳ nghỉ, lương, các lợi ích,… chỉ nên hỏi trong những vòng phỏng vấn sau hoặc khi đàm phán về hợp đồng. Trong phỏng vấn xin việc, bạn chỉ nên đánh dấu những câu hỏi về công việc.

Thu Hiền (lược dịch)

Sao chép thành công