Zero-day attack là gì? Cách phòng zero-day attack hiệu quả

Zero-day attack là gì không còn quá xa lạ với người làm việc trong ngành công nghệ thông tin nhưng với “dân ngoại đạo” đây là một khái niệm còn quá xa lạ. Hôm nay hãy cùng tìm hiểu về thuật ngữ này nhé.

Zero-day và Zero-day attack là gì?

Thời buổi hiện đại đồng nghĩa với việc công nghệ ngày càng phát triển vượt trội kèm theo đó là những nguy cơ về lỗ hổng bảo mật. Một trong những lỗ hổng tiêu biểu nhất và khó giải quyết nhất là lỗ hổng zero day.

Zero-day là thuật ngữ chỉ những lỗ hổng bảo mật mà chưa có bản vá hoặc người phát triển phần mềm chưa biết đến và chưa khắc phục. Lỗ hổng zero-day tồn tại ở nhiều môi trường khác nhau như phần mềm – phần cứng máy tính, ứng dụng mobile, hệ thống internet doanh nghiệp, website, cloud…

Thông thường, khi phát hiện ra lỗ hổng phần mềm, các nhà lập trình hoặc cung cấp sản phẩm sẽ đưa ra một bản “vá” bảo mật trong phiên bản phát hành mới. Tuy nhiên, hầu hết người dùng rất ít khi tự cập nhật phần mềm thường xuyên, do đó các lỗ hổng zero-day có nguy cơ gây hại rất lớn.

Khi lỗ hổng zero day xuất hiện, các tin tặc có thể tận dụng để xâm nhập tức thì vào hệ thống bảo mật và ngày mà nhà phát triển sản phẩm biết tới sự tồn tại của lỗ hổng đó gọi là “ngày 0”. Đó cũng chính là lý do ra đời của thật ngữ “zero-day” (0-day) vì sở dĩ các nhà phát hành phần mềm có 0 ngày để sửa chữa chúng.

“Khi một hacker khai thác được lỗ hổng phần mềm trước khi các nhà lập trình phát hiện ra và sửa chữa thì việc khai thác đó gọi là zero-day attack hoặc zero-day exploit.”

Đặc điểm của một cuộc tấn công lỗ hổng phần mềm là chúng được triển khai một cách bí mật và lén lút. Zero-day attack có thể xuất hiện ở hầu hết mọi hình thức. Ví dụ chúng có thể biểu hiện ở dạng chuyển hướng URL, thiếu mã hóa dữ liệu, sự cố kết nối internet, SQL injection, lỗi hay sự cố mật khẩu…

Những cuộc tấn công như vậy có khả năng thành công rất cao vì không có bản vá nào được đưa ra để bảo vệ khi mà chính các nhà lập trình phần mềm cũng không biết đến sự tồn tại của chúng. Điều này khiến cho các cuộc tấn công zero-day trở thành một mối đe dọa bảo mật cực kỳ nghiêm trọng.

Ví dụ, chỉ cần phần mềm có một lỗi nhỏ được phát hiện, bạn cũng có nguy cơ bị đánh cắp thông tin rất cao. Hệ thống hoặc ứng dụng càng phổ biến thì khả năng ảnh hưởng của zero-day attack đến người dùng càng lớn và thiệt hại càng khó có thể đo đếm được. Lỗ hổng zero-day thực sự là nỗi ác mộng của cả người dùng lẫn nhà phát triển sản phẩm. Đây là lý do khiến zero-day attack trở thành một miếng mồi ngon trong mắt các tin tặc và được mua bán với giá trị khủng khiếp.

Thị trường hoạt động của zero-day attack

Trên thực tế, không phải chỉ có các tin tặc mới tận dụng thực hiện zero-day attack. Các lỗ hổng zero-day cũng là một thứ hàng hóa rất có giá trị đối với các cơ quan tình báo quốc gia hay thậm chí với chính các nhà phát triển phần mềm. Nhìn chung, các lỗ hổng bảo mật zero-day được giao dịch qua 3 thị trường chính:

Black market (chợ đen): là thị trường mà các hacker mũ đen giao dịch các lỗ hổng zero-day nhằm mục đích xâm nhập vào hệ thống bảo mật và lấy cắp thông tin dữ liệu người dùng.

White market: là thị trường tồn tại dưới dạng các chương trình săn tiền thưởng gọi là bug bounty. Thường thì các tập đoàn lớn như Facebook, Microsoft, Google… đều tổ chức các chương trình nhằm mua lại các lỗ hổng từ những người tham gia và phát hiện chúng. Số tiền thưởng cho người tìm ra các lỗ hổng này có thể lên đến hàng chục nghìn đô.

Gray market: là nơi giao dịch giữa các chuyên gia bảo mật với quân đội hoặc các cơ quan tình báo quốc gia. Các chuyên gia sẽ nghiên cứu và bán các mã khai thác zero-day cho các tổ chức quốc gia để phục vụ các hoạt động an ninh quốc gia.

Các biện pháp chống lại lỗ hổng zero-day attack là gì?

Lỗ hổng phần mềm dù là zero-day hay đã được công bố, đều dẫn đến khả năng bị xâm nhập và gây ra những rủi ro, thiệt hại nghiêm trọng cho người dùng và các quản trị viên phần mềm. Do đó, việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống lỗ hổng bảo mật luôn là điều cần thiết. Vậy các biện pháp phòng chống zero-day attack là gì? Dưới đây là những biện pháp chống lại zero-day attack hiệu quả mà bạn có thể tham khảo.

Sử dụng phần mềm có bản quyền

Một phần mềm không có bản quyền (crack) rõ ràng luôn tiềm ẩn các nguy cơ về bảo mật và là nơi để các hacker tận dụng lỗ hổng để tấn công người dùng.

Cập nhật phiên bản mới của ứng dụng và hệ điều hành

Các phiên bản cập nhật của phần mềm và hệ điều hành thường bao gồm các bản cập nhật khắc phục lỗi của bản trước đó và có các bản vá lỗ hổng bảo mật từ nhà cung cấp. Việc cập nhật phiên bản mới giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ bị lây nhiễm phần mềm độc hại hoặc nguy cơ bị tin tặc khai thác lỗ hổng.

Sử dụng phần mềm antivirus có công nghệ bảo vệ dựa trên hành vi

Các phần mềm này có khả năng theo dõi hành vi đang ngờ của virus như tự động tải xuống các thông tin đăng nhập, ghi lại thao tác bàn phím… và bảo vệ máy tính bằng cách loại bỏ các nhân tố nguy hiểm này.

Sử dụng giải pháp/phần mềm rà quét lỗ hổng bảo mật

Các phần mềm bảo mật chuyên dụng là lớp phòng ngự an toàn mà bạn nên có. Các phần mềm này sẽ cảnh báo và phát hiện kịp thời các lỗ hổng bảo mật nguy hiểm và đưa ra những đề xuất phù hợp để giải quyết chúng.

Backup dữ liệu

Hãy sao lưu các dữ liệu quan trọng lên đám mây, việc này giúp người dùng tránh được tình trạng bị xóa sạch thông tin khi sự cố lỗ hổng xảy ra.

Triển khai hệ thống IDS và IPS

Hệ thống IDS (phát hiện xâm nhập) và IPS (ngăn chặn xâm nhập) có tác dụng bảo vệ hệ thống của bạn khỏi các rủi ro xâm nhập đã biết và chưa biết. Điều này sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc xử lý các lỗ hổng nếu có.

Trên đây là những thông tin cơ bản về lỗ hổng zero-day attack là gì, hi vọng bài viết có thể giúp bạn hiểu hơn về loại lỗ hổng bảo mật này. Zero-day attack có thể diễn ra bất cứ lúc nào khiến các nhà phát triển phần mềm lẫn người dùng đau đầu, hãy cẩn thận nhé.

Hà Phương

 

Sao chép thành công