Mục Lục
“Hãy kể về một tình huống khi công việc của bạn bị chỉ trích và bạn phản ứng với điều này ra sao?”. Các câu hỏi về hành vi như thế này rất khó trả lời và khó hoàn thiện nhất. Thông thường, không có câu trả lời đúng hoặc sai. Vậy thì bạn có thể thắc mắc: “Nếu không có câu trả lời đúng hay sai, thì việc tôi trả lời như thế nào có quan trọng không?”. Chắc chắn rồi vì đây chính là điều nhà tuyển dụng muốn thấy.
Vì sao nhà tuyển dụng đặt ra câu hỏi “Hãy kể về lần bạn bị chỉ trích trong công việc”?
Thông qua cách bạn trả lời, nhà tuyển dụng có thể biết liệu bạn có bình tĩnh đón nhận những lời chỉ trích mang tính xây dựng, sẵn sàng lắng nghe cẩn thận, có thể ứng phó với một khách hàng đang tức giận hoặc có yêu cầu đặc biệt cao hay không. Đồng thời, họ cũng biết bạn có thể biến những lời chỉ trích thành chất xúc tác phát triển cá nhân và nghề nghiệp hay không.
Ngoài ra, cách trả lời của bạn cũng sẽ cho nhà tuyển dụng thấy bạn có những điểm yếu tiềm ẩn nào, cách bạn ứng phó với môi trường làm việc đầy thử thách và liệu đạo đức nghề nghiệp của bạn có phù hợp với công ty hay người giám sát tương lai hay không.
Mặt khác, những nhân viên coi lời phê bình mang tính xây dựng là hữu ích thì nhiều khả năng là người đạt thành tích cao. Thế nên, nếu bạn không hướng đến những điều tích cực khi trả lời câu hỏi này, sẵn sàng tìm cách sử dụng những lời chỉ trích để làm lợi thế cho mình, bạn sẽ khó lòng được tuyển dụng.
Vì nhà tuyển dụng có thể đọc được rất nhiều điều trong câu trả lời của bạn cho câu hỏi này nên bạn cần biết các bước quan trọng để giúp phản hồi một cách hiệu quả.
Nên trả lời câu hỏi như thế nào?
Câu trả lời của bạn nên bắt đầu bằng việc thừa nhận tầm quan trọng của những lời chỉ trích đối với sự phát triển cá nhân và nghề nghiệp. Hãy nói với nhà tuyển dụng rằng bạn luôn sẵn sàng đón nhận những lời phê bình mang tính xây dựng vì bạn xem đó là cơ hội học hỏi và cải thiện. Để thể hiện điều này một cách tinh tế, bạn có thể sử dụng từ “phản hồi” thay vì “bị chỉ trích”, điều này chắc chắn sẽ gây ấn tượng tích cực vì nó cho thấy bạn là một nhân viên trưởng thành và chuyên nghiệp.
Bước tiếp theo là chọn một tình huống cụ thể và phù hợp khi công việc của bạn phải đối mặt với những lời chỉ trích. Chú ý là nó phải đủ mới để chứng minh khả năng hiện tại và thể hiện tư duy phát triển của bạn. Có thể bạn đang nghĩ đến lần bị sếp đổ lỗi hoặc đồng nghiệp khó chịu tạo ra môi trường làm việc thiếu lành mạnh? Đừng chọn những câu chuyện không liên quan gì đến hiệu suất công việc của bạn, thay vào đó nên là tình huống bạn nhận được lời phê bình và sau khi tự suy ngẫm nghiêm túc, bạn đã đồng tình với đánh giá đó.
Lúc này, hãy mô tả ngắn gọn về việc bạn đang làm, vai trò của bạn trong đó và những kỳ vọng hoặc thách thức bạn gặp phải. Cung cấp bối cảnh sẽ giúp nhà tuyển dụng hiểu được hoàn cảnh xung quanh lời chỉ trích. Nếu có thể, hãy tóm tắt ý chính của những lời phàn nàn bạn nhận được theo cách khách quan và tránh phòng thủ hoặc đổ lỗi cho người khác, đồng thời nói rõ ai là người đã chia sẻ nó – đồng nghiệp, khách hàng hoặc người giám sát.
Đến lúc cao trào rồi đây. Đừng ngại nói về phản ứng ban đầu của bạn trước những lời góp ý. Bất cứ ai bị chỉ trích đều có thái độ phòng thủ hay khó chịu, yêu cầu làm rõ phản hồi cũng là điều dễ hiểu. Nhưng để tạo được ấn tượng tốt, bạn cần nhấn mạnh khả năng giữ bình tĩnh và chuyên nghiệp bất chấp mọi cảm xúc tiêu cực ban đầu. Càng tốt hơn nếu bạn giải thích cách bạn dành thời gian để suy ngẫm về những lời chỉ trích nhận được thay vì phản ứng bốc đồng. Điều này sẽ cho thấy bạn là người chu đáo và tận tâm trong việc hoàn thiện bản thân.
Đừng dừng lại ở đây. Câu trả lời của bạn vẫn chưa khiến nhà tuyển dụng hài lòng nếu không nhắc đến cách bạn cải thiện dựa vào những lời chỉ trích bạn nhận được và kết quả tích cực như cải thiện quy trình làm việc tốt hơn, doanh số cao hơn, tinh thần đồng đội được cải thiện hoặc bất kỳ lợi ích nào khách cho cả bạn và công ty.
Đến đây thì bạn cần một cái kết thật ấn tượng. Bằng cách nói về những gì bạn đã học được từ trải nghiệm và rằng bạn hiểu được bản chất mang tính xây dựng của những lời chỉ trích, bạn sẽ tạo dựng được một hình ảnh chín chắn và chuyên nghiệp trước nhà tuyển dụng tiềm năng.
“Khả năng chấp nhận khi bị chỉ trích và thực hiện các thay đổi dựa trên những lời phê bình mang tính xây dựng sẽ giúp bạn cải thiện hiệu suất tổng thể”.
Để đạt được kết quả trọn vẹn, tất nhiên có một số điều bạn cần tránh.
Đầu tiên là đừng bao giờ bịa ra một câu chuyện lâm li bi đát. Bạn có thể nghĩ rằng bạn sẽ tìm hiểu các câu chuyện hay trên mạng và thêm mắm dặm muối để sáng tạo tình huống của riêng mình? Đừng cố gắng thêu dệt. Phản hồi cho câu hỏi phỏng vấn này không cần phải hoành tráng mới có hiệu quả. Chắc chắn trong quá trình làm việc bạn không thể tránh khỏi những lúc nhận được lời góp ý, phê bình. Hãy chọn một trong số đó và chuẩn bị cho câu hỏi phỏng vấn này. Nếu bạn nói dối, nhà tuyển dụng liếc mắt một cái là nhận ra ngay hoặc mọi chuyện sẽ bại lộ nếu họ gọi điện cho người tham chiếu.
Thứ hai là luôn hướng đến sự tích cực. Ngay cả khi bạn không đồng ý với phản hồi nhận được thì cũng nên tránh nói tiêu cực về người đã chỉ trích bạn. Điều này sẽ chỉ phản ánh không tốt về bạn và ảnh hưởng đến cơ hội nhận được công việc. Cũng đừng nói đến tình huống khi người phê bình thực sự đã sai trong lời chỉ trích của họ. Kể cả khi bạn đúng, loại ví dụ này sẽ khiến bạn bị coi là một người khó huấn luyện hoặc tự phụ.
Cuối cùng, đừng né tránh trả lời. Chẳng ai tin rằng bạn chưa bao giờ bị chỉ trích cả. Nếu phản hồi theo cách này, nhà tuyển dụng sẽ nghĩ bạn đang nói dối hoặc chưa đủ trải nghiệm. Đây không nên là ấn tượng mà bạn cần để lại trong tâm trí nhà tuyển dụng.
Vân Phạm