Silent treatment là gì, biểu hiện thường gặp và cách xử lý?

Silent treatment là một kiểu hành vi thường gặp trong giao tiếp cá nhân hay các mối quan hệ làm việc. Vậy silent treatment là gì, tại sao một người chọn cách im lặng thay vì đối mặt với vấn đề? Hãy cùng tìm câu giải đáp qua nội dung sau đây nhé. 

Silent treatment là gì?

“Silent treatment (chiến thuật im lặng) là hành vi ngừng hoặc tránh giao tiếp với người khác như một cách biểu lộ sự không hài lòng, giận dữ hoặc khó chịu.”

Mục đích của việc xử lý mâu thuẫn không cần đến lời nói này là tạo áp lực tâm lý lên đối phương. 

Silent treatment thường xuất hiện trong các mối quan hệ cá nhân lẫn môi trường làm việc, nơi căng thẳng và mâu thuẫn có thể dẫn đến việc chọn cách im lặng thay vì đối mặt và xử lý vấn đề triệt để. 

Silent treatment trong các mối quan hệ

Trong tình yêu

Silent treatment trong tình yêu xảy ra khi một bên nỗ lực xoa dịu, xử lý vấn đề nhưng bên còn lại tỏ vẻ thờ ơ, không quan tâm những điều người kia cố gắng truyền đạt. Sự cố tình này tạo ra rào cản trong giao tiếp, làm giảm đi cơ hội hòa giải và khiến người còn lại cảm thấy bất lực cũng như không được tôn trọng. Hành động ấy không chỉ cho thấy sự thiếu thiện chí mà còn phá vỡ niềm tin, khiến người kia cảm thấy nỗ lực của mình là vô tác dụng, không có giá trị. Điều này khiến mối quan hệ càng ngày càng thêm căng thẳng, có khi dẫn đến đổ vỡ. 

Trong gia đình

Trong gia đình thì biểu hiện của silent treatment là gì? Đó là khi các con, nhất là các bé trong độ tuổi dậy thì tìm đến ba mẹ để tâm sự các vấn đề về tâm lý, tình cảm nhưng đáp lại là sự phớt lờ hay quan tâm không đúng mức. 

Sự thiếu tinh tế của ba mẹ không chỉ làm con cảm thấy lạc lõng, thiếu sự hỗ trợ mà còn có thể khiến trẻ không muốn chia sẻ và tìm kiếm sự giúp đỡ từ người thân trong tương lai. Với những vấn đề mang tính nhạy cảm, việc không lắng nghe và chia sẻ từ ba mẹ sẽ khiến các con rơi vào khủng hoảng, khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng và khó xử lý hơn. 

Trong môi trường làm việc

Silent treatment ở môi trường làm việc là khi bạn cố gắng trình bày ý tưởng, chia sẻ kinh nghiệm nhưng bị đồng nghiệp phớt lờ, thậm chí “seen” nhưng không phản hồi. Điều này khiến bạn cảm thấy mình bị bỏ rơi như người ngoài cuộc và không được xem trọng. 

Nếu điều này kéo dài trong một thời gian sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng làm việc của nhóm, tập thể mất đi sự gắn kết và tin tưởng, khiến cho việc giao tiếp và hợp tác trở nên khó khăn hơn. 

Dấu hiệu nhận biết silent treatment

Để biết dấu hiệu của silent treatment là gì, bạn hãy để ý người đó có các biểu hiện sau đây hay không: 

Im lặng bất thường: Người đó thường xuyên giao tiếp với bạn nhưng độ nhiên trở nên im lặng và tỏ ra như người xa lạ, không còn quan tâm như trước. 

Tránh né giao tiếp: Họ cố ý tránh mặt bạn, hạn chế đến mức thấp nhất việc giao tiếp bằng mắt và không muốn tham gia vào các cuộc trò chuyện chung, nhất là khi có sự xuất hiện của bạn. 

Phớt lờ sự hiện diện: Họ làm như thể bạn vô hình, không chào hỏi cũng không đáp lại khi bạn chủ động tương tác. 

Ngôn ngữ cơ thể tiêu cực: Họ biểu lộ những cử chỉ tiêu cực thể hiện sự khó chịu như khoanh tay, cau mày hoặc quay lưng khi bạn cố gắng tiếp cận. 

Vì sao nhiều người chọn cách im lặng thay vì giải quyết vấn đề? 

Bảo vệ mình khỏi bị tổn thương

Khi hai bên xảy ra tranh cãi, một người chọn cách im lặng không hẳn vì họ ghét người kia mà là họ sợ phải đối diện và xem việc im lặng như một tấm khiên để bảo vệ cảm xúc của bản thân. Im lặng giúp họ tạm thời lánh xa cuộc tranh cãi mà họ đoán trước sẽ gây tổn thương. 

Gặp vấn đề trong giao tiếp

Phần lớn người chọn im lặng là do họ gặp vấn đề trong việc kiểm soát và thể hiện cảm xúc bản thân, khiến họ đọc vị và hiểu được cảm xúc của người khác. Do đó, im lặng là lựa chọn tốt nhất khiến họ đỡ phải suy nghĩ dù đôi khi nó không mang lại hiệu quả tốt nhất. Bạn sẽ thấy người hướng nội thường chọn cách im lặng khi giải quyết vấn đề.

Cố tình trả đũa

Bên cạnh 2 nguyên nhân trên thì còn một lý do nữa khiến một người chọn cách im lặng là họ có cá tính mạnh và cố tình im lặng để trả đũa đối phương. 

Họ muốn để người kia chịu nỗi đau về tinh thần và bị thôi thúc phải hàn gắn hay hạ mình xin lỗi. Trong trường hợp này, sự im lặng được xem là hành động để cứu vãn tình hình. 

Hậu quả của silent treatment là gì?

Việc giải quyết vấn đề bằng sự im lặng thường dẫn đến những hậu quả sau:

Trước hết, silent treatment được xem là mộ cách cố ý gây đau khổ nên sẽ khiến đối phương cảm thấy bị tổn thương sâu sắc. Bản năng của con người là muốn được tương tác và kết nối để chứng minh sự hiện diện của mình trong cộng đồng hay tổ chức. 

Thế nên, khi nhận về sự im lặng thì điều này chẳng khác nào như mộ “nhát dao” cắt đứt mọi nỗ lực, khiến họ cảm thấy bị bỏ rơi, không được công nhận và sự có mặt của họ là vô nghĩa. Trong tâm lý học, hành động này giống như việc đưa mộ khúc xương trước mặt chú chó rồi bỗng dưng giật lại, đẩy một người vào trạng thái ức chế và khó chịu. 

Một hậu quả khác là người bị đối xử bởi hành vi silent treatment có thể rơi vào trạng thái tự xem thường bản thân, mong muốn thay đổi tình hình, thậm chí sẵn sàng vứt bỏ lòng tự trọng để lấy lại sự chú ý của đối phương. 

Tuy nhiên, không phải lúc nào người chọn cách im lặng cũng có ý xấu. Có khi họ đơn giản là không nhận thức được việc mình đang làm cũng như tổn thương mà đối phương cảm thấy và gánh chịu. 

Cách đối phó với silent treatment hiệu quả

Có một sự thật là silent treatment cũng khiến bản thân người im lặng làm hại chính minh. Việc liên tục phớt lờ sẽ khiến họ liên tục nghĩ về vấn đề và sống trong cảm giác tiêu cực, sự giận dữ và khó chịu vây quanh. 

Nếu bạn đang cảm thấy mình đang bị đối phương phớt lờ, hãy áp dụng những cách sau:

Giữ bình tĩnh và tìm hiểu nguyên nhân

Không chỉ đối phó với silent treatment mà trong cả nhiều vấn đề khác, hãy tìm hiểu nguyên nhân trước khi để bản thân bị dẫn dắt bởi cảm xúc tiêu cực. Một người chọn cách im lặng vì nhiều lí do khác nhau. 

 Vì vậy, khi đối mặt với sự im lặng của đối phương, hãy bình tâm quan sát và cố gắng hiểu rõ lý do đằng sau đó để không rơi vào trạng thái suy nghĩ quá nhiều. Hãy kiên nhẫn và cho cả bản thân lẫn đối phương thêm thời gian để căng thẳng dịu bớt trước khi tìm cách giải quyết.

Chủ động giao tiếp 

Người chọn hành vi silent treatment có thể không ý thức được hành động của họ sẽ làm người khác tổn thương. Thế nên, để giữ cho mối quan hệ không đứt đoạn giữa đường, hãy chủ động bắt chuyện lại với họ. Hãy kiên nhẫn và tránh nói những điều có thể khiến tình hình càng trở nên rối rắm hơn. Thay vào đó, bạn cần chia sẻ cảm xúc của mình, lắng nghe tích cực và thể hiện sự thấu hiểu nếu họ phản hồi lại. 

Nhờ đến sự giúp đỡ từ bên thứ ba

Nhờ sự hòa giải của bên thứ ba cũng là một phương pháp hiệu quả để giải quyết các vấn đề trong giao tiếp. Dưới sự tư vấn của bên trung gian, cả hai sẽ có cơ hội chia sẻ và hiểu nhau hơn, từ đó có cách giao tiếp hiệu quả nhằm hóa giải mâu thuẫn và giữ vững mối quan hệ.  

Đặt ra giới hạn cho bản thân

Khi chủ động làm hòa, bạn cần xác định rõ ràng những gì có thể chấp nhận và không chấp nhận trong mối quan hệ. Nếu người kia tiếp tục phớt lờ như một cách để làm khó dễ bạn thì hãy sẵn sàng dừng lại. Bằng cách này, bạn sẽ bảo vệ được sức khỏe tinh thần của mình, không để bị cuốn vào các hành vi tiêu cực. 

Tập trung vào bản thân

Đừng dày vò bản thân vì cảm giác bị bỏ rơi, thay vào đó hãy dành thời gian để chăm sóc chính mình, hướng đến các hoạt động tích cực và sở thích giúp bạn cảm thấy vui vẻ. Điều này vừa giúp bạn vượt qua sự im lặng vừa lấy lại được sự tự tin và kiểm soát trong cuộc sống. 

Vậy là chúng ta vừa tìm hiểu xong silent treatment là gì, hậu quả của nó cũng như cách để đối diện với hành vi này. Đừng quên truy cập vào CareerLink.vn để cập nhật thêm các thuật ngữ khác cùng các thông tin tuyển dụng mới nhất nhé. 

Thu Trang

Sao chép thành công