Nói lời tạm biệt với câu trả lời phỏng vấn xin việc lan man

Sa vào những câu trả lời phỏng vấn xin việc dài dòng, lan man và rời rạc không bao giờ giúp bạn tạo được thiện cảm. Nếu nhà tuyển dụng cảm thấy chán nản, họ sẽ không nhớ đến bạn sau đó hoặc nếu có thì chỉ là người họ không muốn trò chuyện cùng. Điều này có thể khiến bạn mất đi cơ hội việc làm tốt nhất. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là phải giữ cho câu trả lời của bạn ngắn gọn, súc tích và có trọng tâm.

Nhưng, bằng cách nào?

“Học cách cân bằng giữa việc trả lời câu hỏi phỏng vấn xin việc một cách đầy đủ và không lan man là một kỹ năng phỏng vấn thiết yếu”.

Cách để có câu trả lời phỏng vấn xin việc súc tích và ngắn gọn

Học cách nhận ra dấu hiệu lan man và lý do dẫn đến điều đó

Để thay đổi một hành vi, bạn cần biết khi nào và tại sao nó lại xảy ra.

Nếu bạn thấy mình bị ngắt lời khi đang nói, nhà tuyển dụng không giao tiếp bằng mắt hay tỏ vẻ mất kiên nhẫn hoặc bạn nói đến câu cuối cùng và cảm thấy hụt hơi, bối rối không biết mình đang nói gì, đang ở đâu, đã trả lời đúng câu hỏi hay chưa thì đó là dấu hiệu cho thấy câu trả lời của bạn quá dài và bạn đang nói quá nhiều.

Điều này thường xảy ra khi chúng ta cảm thấy lo lắng. Và không cần bàn cãi, phỏng vấn là một trong những cuộc trò chuyện khó nhằn nhất trong đời. Khi mọi ánh mắt đổ dồn vào bạn, mỗi mili giây đều như cả một đời người và bạn có xu hướng nói nhanh, nói nhiều hơn để đảm bảo rằng bạn nói hết mọi thứ cần nói. Nhưng ngược lại ở đầu bên kia, người nghe sẽ rất khó theo dõi những gì bạn đang nói, thậm chí còn không nhận ra bạn đã trả lời câu hỏi hay chưa.

Thiếu chuẩn bị cũng là lí do khiến chúng ta nói năng quanh co không có đường ra. Nếu bạn chưa hiểu rõ về công việc cũng như cách nó phù hợp với kinh nghiệm của mình thì sẽ khó đưa ra câu trả lời ngắn gọn tạo ấn tượng tích cực. Cộng thêm việc phải nghĩ ra đáp án ngay lập tức thì khả năng lan man càng nhiều hơn.

Nói lời tạm biệt với câu trả lời phỏng vấn xin việc lan man

Và cuối cùng, một số người đơn giản là có phong cách dài dòng. Bạn có thể luyên tha luyên thuyên về mọi chuyện trong cuộc sống thực của mình nhưng trong bối cảnh phỏng vấn, bạn cần tập trung vào việc đưa ra những câu trả lời ngắn gọn và chỉ đưa ra thông tin có liên quan nhất.

Chuẩn bị là chìa khóa thành công

Điều này có nghĩa là, để tránh lan man chúng ta cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Cụ thể, bước đầu tiên là lên danh sách các câu hỏi phổ biến. Trong quá trình sưu tầm các câu hỏi này, hãy nhớ chú ý đến những câu hỏi có cách diễn đạt khác nhau nhưng lại cùng hướng đến một ý để tránh bỡ ngỡ. Nhà tuyển dụng có thể cố tình đánh lạc hướng bạn bằng những câu hỏi trông lạ nhưng hóa ra lại quen. Chẳng hạn, thay vì hỏi “Điểm mạnh lớn nhất của bạn là gì?” họ sẽ hỏi “Bạn giỏi việc gì nhất?” hoặc “Điều gì khiến bạn trở nên khác biệt?”. Sự chuẩn bị cho những phiên bản câu hỏi khác nhau sẽ giúp bạn không bị bất ngờ, giữ được bình tĩnh để vượt qua và dành sức cho những câu hỏi khó hơn.

Điều nên làm tiếp theo là viết dàn ý cốt lõi cho từng câu trả lời. Lưu ý là chỉ nghĩ đến các từ khóa chính, những chi tiết giúp “quảng bá” bản thân và cho thấy bạn là người phù hợp với công việc, chứ không phải câu hoàn chỉnh để tránh cảm giác như bạn đang đọc thuộc lòng theo kịch bản có sẵn.

Để có câu trả lời ngắn gọn, đi vào trọng tâm, bạn cần có định dạng cho mỗi câu trả lời. Nếu việc tính toán hay nấu ăn trở nên dễ dàng hơn nhờ có công thức thì tuân theo một định dạng nhất định sẽ giúp câu trả lời của bạn ngắn gọn nhưng không kém phần chặt chẽ, logic.

Giả sử với câu hỏi “Điểm mạnh lớn nhất của bạn là gì?” bạn có thể bắt đầu bằng câu trả lời trực tiếp: “Điểm mạnh lớn nhất của em là khả năng học hỏi nhanh”. Kèm theo một hai chi tiết có liên quan như: “Em là người sử dụng thành thạo phần mềm bán hàng mới nhanh hơn bất cứ ai khác trong phòng”. Và kết thúc bằng việc áp dụng vào vị trí hiện tại: “Với tốc độ thay đổi nhanh chóng của lĩnh vực hoạt động của công ty, em tin rằng kỹ năng này giúp em trở thành người hoàn toàn phù hợp”.

Thêm một lưu ý nhỏ nữa là bạn nên trả lời các câu hỏi phỏng vấn trong vòng 30 đến 90 giây. Đối với những câu hỏi phức tạp hơn, bạn có thể nói tối đa 3 phút.

Sau khi đã có nguyên liệu (các từ khóa chính) và công thức cùng thời gian tối ưu, hãy luyện tập nói to câu trả lời ngắn gọn của bạn cho đến khi trôi chảy hoàn toàn. Thực hiện quá trình này nhiều lần trong nhiều ngày, bạn có thể thấy mình nói ngắn gọn hơn ngay cả khi trả lời những câu hỏi chưa chuẩn bị.

Chắc chắn rằng bạn hiểu câu hỏi trước khi trả lời

Một lỗi thường gặp khi phỏng vấn cũng là điều khiến nhiều ứng viên lan man là vội vàng trả lời trong khi chưa hiểu đầy đủ điều nhà tuyển dụng muốn đề cập. Khi trả lời câu hỏi mà bản thân chưa hiểu rõ, bạn sẽ nghi ngờ và thay đổi hướng trả lời liên tục. Điều này sẽ dẫn đến một câu trả lời quanh co, khó hiểu thậm chí nói nhiều nhưng lại không đá động gì đến điều đã được hỏi.

Chậm mà chắc. Hãy tạo thói quen đảm bảo hiểu rõ câu hỏi, làm rõ những điểm phức tạp trước khi bắt đầu trả lời. Đừng lo lắng điều này sẽ làm phiền nhà tuyển dụng. Bạn không làm gì sai cả mà chỉ đang thể hiện kỹ năng giao tiếp tốt và bạn có sự tập trung tuyệt đối cho cuộc trò chuyện. Và bạn biết không, bằng cách này bạn sẽ ngừng nói lan man, đưa ra câu trả lời đúng trọng tâm và nhà tuyển dụng sẽ rất biết ơn bạn vì điều đó.

Biết cách dừng lại

Dù đã chuẩn bị kỹ càng và cẩn thận trong từng bước đi nhưng đôi khi “thói quen bộc phát” thì làm sao? Nếu phản ứng của nhà tuyển dụng khiến bạn giật mình tỉnh ngộ nhận ra mình đang lang thang quá xa, hãy kết thúc ngay câu trả lời. Nếu bạn đang kể về một tình huống, hãy kết thúc bằng những kết quả mà bạn đã đạt được. Hoặc quay lại câu hỏi: “Đó là cách em quản lý thời gian của mình” hay đề cập đến những gì đã nói về vị trí đang phỏng vấn “… và em nghĩ anh/chị cũng đã gặp tình huống tương tự. Đây có vẻ là một giải pháp hiệu quả phải không ạ?”.

Nếu bạn sắp có một cuộc phỏng vấn, đã đến lúc phải tăng tốc. Bằng cách chuẩn bị kỹ lưỡng và luyện tập câu trả lời, bạn sẽ đảm bảo rằng mình sẽ những câu trả lời ngắn gọn, súc tích nhưng đầy đủ ý khiến nhà tuyển dụng không thể ngó lơ. Hãy đầu tư vào việc cải thiện kỹ năng giao tiếp và bạn sẽ được đền đáp bằng kết quả xứng đáng trong buổi phỏng vấn tiếp theo!

Ngọc Quyên

Sao chép thành công