Greenwashing là gì? Dấu hiệu nhận biết Greenwashing

Greenwashing là gì? Đây là từ chỉ chiến thuật quảng cáo sản phẩm gắn với các hành vi xấu. Greenwashing được xem là một trong những quảng cáo tệ hại và chúng ta cần biết các dấu hiệu nhận diện nó.

Chắc hẳn bạn đã từng một lần nghe đến từ “tẩy trắng” (whitewash) để nói về sự che đậy thông tin tai tiếng trong giới giải trí và doanh nghiệp. Còn “tẩy xanh” (Greenwashing) gần như không phổ biến và ít ai biết đến. Tuy nhiên đây cũng là thuật ngữ quan trọng trong ngành marketing và khách hàng cần biết đến nó nhiều hơn để trở nên thông thái khi lựa chọn sản phẩm.

Vậy Greenwashing là gì? Nó có ý nghĩa ra sao và làm thế nào để nhận diện? Tất cả sẽ được giải đáp qua nội dung sau đây.

Greenwashing là gì?

Thuật ngữ Greenwashing đã xuất hiện từ thập niên những năm 1960, và trở nên phổ biến sau khi Jay Westerveld (một nhà môi trường học người Mỹ) đề cập đến vào năm 1986.

Đây là một chiến thuật quảng cáo gian dối, “khoác” lên sản phẩm, dịch vụ hoặc chính sách của công ty tấm “vỏ bọc” thân thiện với môi trường, trong khi thực tế thì không phải như vậy.

Cụ thể, các công ty dành nhiều tiền bạc và thời gian để “đánh trống khua chiêng”, tiếp thị rằng sản phẩm của họ giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, góp phần thúc đẩy môi trường “xanh” hơn. Họ tự xưng là doanh nghiệp “xanh”. Họ cung cấp các thông tin sai lệch hoặc mập mờ trong vai “người hùng” giải cứu hành tinh. Nhưng sự thật là họ không thực hiện những biện pháp nào có thể đem đến lợi ích thiết thực cho môi trường. Hành vi như vậy gọi là quảng cáo xanh greenwashing.

Đặc trưng của greenwashing

Cũng như “tẩy trắng”, “tẩy xanh” (Greenwashing) là một cách “chơi chữ” của các nhà quảng cáo, sử dụng các thông tin sai lệch, mơ hồ để che đậy bản chất thật của doanh nghiệp. Có thể kết lại 4 đặc trưng làm nên khái niệm Greenwashing, đó là:

  • Cố tình tạo ra ấn tượng sai lầm rằng sản phẩm của doanh nghiệp thân thiện với môi trường;
  • Không thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động gây hại cho môi trường như tuyên bố.
  • Không đưa ra các bằng chứng cụ thể, thuyết phục về nỗ lực tái tạo “xanh” cho môi trường thông qua sản phẩm.
  • Thường đẩy giá sản phẩm lên cao gấp nhiều lần để xứng tầm với hoạt động “nhuộm xanh” môi trường của doanh nghiệp.

Ví dụ về hành vi greenwashing

Để hiểu rõ hơn greenwashing là gì, bạn có thể xem xét ví dụ Cửa hàng bán đồ uống mang đi tuyên bố rằng họ không sử dụng ống hút nhựa để bảo vệ môi trường, trong khi vẫn dùng cốc nhựa và bọc ni lông.

“Greenwashing là một chiến thuật lừa dối – cho dù là cố ý hay vô tình – được sử dụng bởi các công ty có thể khiến khách hàng tin rằng sản phẩm, dịch vụ hoặc sứ mệnh của họ có tác động tích cực đến môi trường nhưng thực tế là không.”

Lý do xuất hiện các hoạt động tiếp thị greenwashing

Sự biến đổi khí hậu đã dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng cho trái đất và con người. Trong nỗ lực cứu lấy hành tinh hiện nay, vấn đề bảo vệ môi trường chưa bao giờ “nóng” đến thế. Người tiêu dùng hiện đại, đặc biệt là thế hệ Gen Z, ngày càng quan tâm đến những sản phẩm hữu cơ, tự nhiên và thân thiện với môi trường.

Xuất phát từ nhu cầu đó, các doanh nghiệp đã tận dụng mối quan tâm của khách hàng để thực hiện các chiến dịch quảng cáo greenwashing, hòng đưa họ vào “mê hồn trận” của những từ ngữ hoa mỹ và dễ gây hiểu lầm. Rõ ràng greenwashing đã giúp ích doanh nghiệp rất nhiều trong việc phủ sóng thương hiệu, đánh bóng tên tuổi và kích cầu tiêu dùng. Đó là lý do greenwashing ra đời và tồn tại đến ngày nay.

Tại sao greenwashing lại có hại?

Greenwashing là không tốt vì nhiều lý do. Vấn đề quan trọng nhất là các công ty có thể nói rằng họ đang có những hành động tích cực trong khi tiếp tục góp phần vào sự thay đổi khí hậu của hành tinh.

Nó cũng khiến tất cả chúng ta nghi ngờ. Những công ty nào đang greenwashing và những công ty nào đang thực hiện các bước thực sự để cải thiện tác động của họ đối với môi trường. Sự nhầm lẫn này đã khiến một số công ty tránh nói về công việc tốt của họ vì sợ bị cáo buộc.

Dấu hiệu nhận biết greenwashing

Như đã đề cập trong định nghĩa greenwashing là gì, hoạt động “quảng cáo xanh” bao gồm các chiến lược marketing khác nhau để đánh lừa người tiêu dùng rằng sản phẩm của họ thân thiện với môi trường. Vậy làm thế nào để khách hàng nhận biết một doanh nghiệp đang thực hiện hàng vi greenwashing?

Đáp án là hãy chú ý các dấu hiệu khả nghi sau:

  • Sử dụng màu xanh là cây và các hình ảnh cố ý gây hiểu lầm: Các công ty sử dụng chiến thuật greenwashing thường dùng màu xanh lá cây và các hình ảnh tự nhiên (động vật hoang dã, núi non, sông nước…) trong bộ nhận diện thương hiệu, ngay cả khi sản phẩm của họ không ích lợi gì cho môi trường. Đây là dấu hiệu rõ ràng và phổ biến nhất mà bạn có thể tìm thấy ở rất nhiều sản phẩm.
  • Từ ngữ mơ hồ: Một công ty đưa ra tuyên bố hoặc viết lên nhãn sản phẩm như “giảm lượng khí thải carbon” hoặc “tự nhiên”, “tinh khiết”, “hữu cơ”, “sạch”, “tái chế”… Đây sẽ là những ví dụ rõ nhất về khẩu hiệu mơ hồ bởi vì chúng không đi kèm với số liệu cụ thể.
  • Khoe khoang có chủ đích: Các tuyên bố “phóng đại” như “sạch 100%” hay “xanh” hơn các thương hiệu khác, “tốt nhất thị trường”… là dấu hiệu rõ ràng cho thấy hành vi greenwashing.
  • Sử dụng biệt ngữ khó hiểu: Để “tỏ ra nguy hiểm”, khiến người dùng tin rằng họ thật sự làm “xanh” môi trường, các doanh nghiệp thường cố ý khai thác các biệt ngữ khó hiểu mà chỉ nhà khoa học hoặc người trong chuyên ngành mới biết.
  • Không có bằng chứng xác thực: Một số công ty “tinh vi” hơn khi dẫn ra kết quả cụ thể, nhưng lại không có bằng chứng đáng tin cậy nào chứng minh họ đang thực sự thực hiện nó. Hoạt động cải thiện môi trường phải luôn luôn đi đôi với những chứng nhận minh bạch từ tổ chức có uy tín.
  • Đưa ra kết quả sai lệch: Có trường hợp công ty trình bày sai kết quả của họ về chính sách môi trường thông qua sản phẩm để làm “mờ mắt” người tiêu dùng. Thậm chí họ còn “cả gan” sử dụng tem chứng nhận giả.

Trên đây là các thông tin giải thích greenwashing là gì và các dấu hiệu nhận biết hành vi này. Tất nhiên, không phải tất cả các công ty đều sử dụng chiến thuật Greenwashing. Một số công ty thật sự đem đến những tác động tích cực với môi trường. Hy vọng qua bài viết độc giả có thể dựa vào những thông tin trên để kiểm tra độ uy tín của thương hiệu và mua sắm thông thái hơn.

Pha Lê

Sao chép thành công