Nếu bạn là một người quá coi trọng vấn đề tuổi tác, thường khó chịu và bất hợp tác khi phải nghe theo sự phân phó từ những người nhỏ tuổi hơn mình thì có lẽ bạn hợp làm chủ của chính mình thay vì đi làm thuê cho người khác. Bởi vì trong môi trường công sở, bạn phải chấp nhận một thực tế rằng sếp có thể là người nhỏ tuổi hơn và không dày dặn kinh nghiệm như bạn.
Xuất phát điểm của bạn không bằng người
Dân gian có câu nói thế này: “Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa”, hẳn bạn đã từng nghe không dưới trăm lần đâu nhỉ?
Không thể phủ nhận rằng xã hội ngày càng phát triển, các doanh nghiệp mọc lên như nấm sau mưa, điều này đã tạo nên cơ hội và không gian cho nhiều nhân tài được thể hiện tài năng, bản lĩnh và tìm kiếm cơ hội phát triển, tạo bước đột phá cho riêng mình trong sự nghiệp. Thế nhưng, rất nhiều doanh nghiệp trong số đó là những công ty gia đình và hiển nhiên sẽ có truyền thống kế thừa, tiếp nối giữa các thế hệ. Ở công ty, bạn có thể thăng tiến nhưng hiển nhiên các vị trí cao nhất, trọng yếu nhất thì không thể thuộc về bạn. Đó là lý do mà bạn phải sẵn sàng làm việc dưới trướng của một người nhỏ tuổi hơn bạn, ít kinh nghiệm hơn bạn. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc năng lực của họ không bằng bạn.
Chuyên môn không bằng người, kiến thức tổng quát lại hạn hẹp
Bạn cho rằng mình rất giỏi, mình làm việc lâu năm, mình dày dặn kinh nghiệm, tại sao mình phải nghe theo sự sắp xếp của một “đứa nhóc” còn nhỏ tuổi và ít kinh nghiệm hơn mình?
Ôi bạn ơi, thật sự là bạn quá non nớt. Tuổi tác bạn lớn không có nghĩa là năng lực của bạn tốt hơn. Thậm chí bạn đã trở nên lạc hậu, không chịu làm mới bản thân cho phù hợp với yêu cầu của công việc, ngành nghề. Sếp nhỏ tuổi hơn bạn nhưng họ hiểu biết nhiều hơn bạn, thành thạo các công cụ hỗ trợ công việc hơn bạn, có khả năng bao quát tất cả đầu mục công việc trong đội nhóm để kịp thời phát hiện và sửa chữa những sai lầm trong bộ máy thay vì chỉ giỏi mỗi một việc mà chẳng biết chút gì về công việc của các thành viên còn lại.
Sếp ít kinh nghiệm làm việc hơn bạn nhưng bù lại, CV của họ đẹp hơn bạn, “chất” hơn bạn, bỏ xa bạn cả mấy trăm cây số. Trong khi bạn chỉ làm việc tại những công ty nhỏ không ai biết đến thì họ từng hợp tác với những doanh nghiệp lớn, những tập đoàn đa quốc gia – những nơi chỉ cần cái tên đã đủ bảo chứng cho năng lực làm việc của nhân viên ở đó. Và đặc biệt, họ có lộ trình phát triển rõ ràng, còn bạn thì mãi loay hoay ở một vị trí từ công ty này qua công ty nọ. Thật sự, chẳng ai ưa những người chỉ biết lấy tuổi tác ra để dọa người trong khi năng lực lại chẳng đến đâu.
Nhìn thẳng vào sự thật đi! Nếu bạn thật sự tài giỏi như bạn nghĩ, tại sao đi làm bao nhiêu năm mà bạn vẫn mãi ở vị trí nhân viên?
Năng lực quản lý của sếp trẻ vượt xa bạn
Nếu nói năng lực chuyên môn, kiến thức tổng quát quyết định 50% cơ hội thăng tiến thì 50% còn lại nhất định thuộc về năng lực quản lý. Một người đứng đầu không có năng lực quản lý, có phải rất mâu thuẫn và bất khả thi không nào?
Rất nhiều người năng lực chuyên môn và kiến thức chung có thừa nhưng mãi không thể tiến lên vị trí quản lý hoặc có khi lên rồi lại phải quay về làm “thường dân” chỉ vì không có khả năng lãnh đạo. Năng lực quản lý đóng vai trò vô cùng quan trọng vì khi là một quản lý giỏi, bạn không chỉ phải xử lý công việc thật tốt mà còn phải quản lý con người thật khéo léo để công việc luôn vận hành suôn sẻ và đạt hiệu quả cao nhất. Có đôi khi, năng lực quản lý cũng là một loại thiên phú, có nhiều người khi sinh ra thì khả năng lãnh đạo đã ăn vào máu rồi, vậy nên việc có thể trở thành một quản lý giỏi hay không chẳng hề liên quan đến vấn đề tuổi tác đâu.
Thay vì dành thời gian để bất mãn với sếp trẻ của mình, hãy làm cho mối quan hệ giữa hai bên trở nên tốt đẹp hơn.
Thể hiện sự tôn trọng khi sếp trẻ hơn bạn
“Bạn không nên quá tập trung vào sự chênh lệch tuổi tác, và cũng không nên hành động như thể ý tưởng của bạn hiệu quả hơn vì bạn lớn tuổi và dày dặn kinh nghiệm hơn.”
Sếp có thể lên được vị trí này vì họ có kỹ năng phù hợp để lãnh đạo trong lĩnh vực của bạn. Và vì đó là cấp trên nên sếp xứng đáng nhận được sự tôn trọng từ bạn.
Hãy tôn trọng họ giống như cách bạn thể hiện với người quản lý bằng tuổi bạn trở lên. Đó có thể là lắng nghe khi họ hướng dẫn, cho họ biết bạn hoan nghênh bất kỳ phản hồi nào mà họ đưa ra, nhờ họ tư vấn về những vấn đề bạn gặp phải…
Biết đâu rằng sếp của bạn cũng có thể cảm thấy sợ hãi trước viễn cảnh giám sát nhân viên lớn tuổi và dày dặn kinh nghiệm hơn. Họ có thể lo lắng rằng bạn biết nhiều hơn họ hoặc đang chờ họ mắc sai lầm. Nếu họ mắc lỗi, hãy nhã nhặn và khoan dung; chống lại mọi lời thúc giục buôn chuyện về họ với đồng nghiệp hoặc luôn nhắc về những điều họ đã làm sai.
Sử dụng kinh nghiệm của bạn một cách xây dựng
Mặc dù sếp trẻ có thể có nhiều kỹ năng chuyên môn hơn bạn, nhưng bạn có thể có nhiều kinh nghiệm ứng xử với mọi người và xử lý các tình huống khó khăn hơn. Nếu bạn hiểu các khó khăn của sếp và có thể đề xuất giải pháp, bạn sẽ nhanh chóng trở thành một thành viên vô giá trong nhóm.
Tuy nhiên, hãy cảnh giác với việc khoe khoang hoặc trịch thượng với người quản lý kiểu như “Đây không phải là cách chúng tôi vẫn làm” hoặc “Cách này không hiệu quả đâu”, mà hãy thử nói “Quả là một ý tưởng mới mẻ. Tôi có thể chia sẻ một vài ý kiến về điều này được không?”.
Đừng mãi suy nghĩ về cách bạn có thể thay thế sếp
Nếu bạn dành toàn bộ thời gian để nghĩ rằng quản lý cấp cao cuối cùng sẽ nhận ra bạn thông minh, bạn dày dặn kinh nghiệm đến mức nào và sếp trẻ của bạn kém cỏi ra sao, bạn sẽ thất vọng đấy!
Bất kể do tuổi tác hay điều gì khác, bạn không bao giờ nên đặt mục tiêu thay thế sếp của mình bằng cách làm thiếu lành mạnh. Chiến lược tốt nhất của bạn phải luôn là làm việc chăm chỉ, thể hiện sự tôn trọng và đạt được năng suất cao nhất.
Trang Đoàn