Các câu hỏi phỏng vấn về thái độ bạn dễ gặp nhất

Duy trì thái độ tích cực trong bất kỳ tình huống nào là một trong những yếu tố mà nhà tuyển dụng mong đợi nhìn thấy ở các ứng viên. Do đó, trong buổi gặp gỡ họ sẽ đặt ra các câu hỏi phỏng vấn về thái độ để kiểm tra cách bạn xử lý và hướng đến thành công.

Vậy bạn có thể đối mặt với những câu hỏi kiểm tra thái độ nào? Dưới đây là một số điều điển hình.

Bạn có phải là người đáng tin cậy?

Bất cứ ai cũng sẽ nói có khi trả lời câu hỏi này, tuy nhiên không đơn giản chỉ là vậy. Ở đây nhà tuyển dụng còn muốn biết liệu bạn có sẵn sàng làm thêm giờ hoặc bạn có thể đảm đương thêm trách nhiệm vào thời điểm cần thiết hay không. Vì vậy, tùy theo tính chất công việc, câu trả lời nên khác nhau.

Nếu vị trí đòi hỏi thời gian nghiêm ngặt và đúng giờ thì bạn nên khẳng định rằng bạn luôn đúng giờ và sẵn sàng làm thêm giờ trong trường hợp được yêu cầu. Hoặc nếu đang phỏng vấn cho một vai trò quan trọng thì bạn nên đề cập đến những lần hoàn thành tốt trách nhiệm ở công việc trước đây.

Bạn quản lý thời gian tốt đến mức nào?

Quản lý thời gian là chìa khóa để thành công trong bất kỳ công việc nào. Với câu hỏi này, bạn cần giải thích cách sắp xếp thứ tự ưu tiên theo mức độ khẩn cấp và tầm quan trọng của nhiệm vụ, và trong trường hợp cần thiết, bạn không ngần ngại nhờ đến sự giúp đỡ của đồng nghiệp. 

Để tăng tính thuyết phục, bạn nên đưa ra các ví dụ cho thấy bạn đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn và cống hiến hết mình cho công việc như làm việc xuyên đêm vào cả cuối tuần khi deadline quá sát sao.

“Câu trả lời cho các câu hỏi phỏng vấn về thái độ nên cho thấy sự tích cực và khả năng đóng góp của bạn vào một môi trường chuyên nghiệp.”

Bạn tự đánh giá mình ở mức nào trong thang điểm 10?

Các câu hỏi phỏng vấn về thái độ này có thể đặt nhiều ứng viên vào tình thế khó xử. Đánh giá bản thân là 10/10 có thể cho thấy bạn là người kiêu ngạo trong khi cho điểm thấp sẽ khiến bạn bị đánh giá là người thiếu tự tin.

Bạn cần đưa ra một điểm số tương xứng cùng với các thành tích cụ thể. Hãy coi câu hỏi này là cơ hội để bộc lộ khả năng một cách tự tin hơn là để sự khiêm tốn hay kiêu ngạo làm ảnh hưởng đến quá trình tìm việc của bạn.

Hãy kể một vài điều thú vị về bạn

Mục đích của câu hỏi này là để xác định mức độ phù hợp của bạn với tập thể và liệu bạn có phải là người toàn diện, coi trọng cả công việc và niềm vui cuộc sống hay là người tham công tiếc việc.

Không ai thích làm việc với một người không có gì để nói ngoại trừ công việc. Bạn cần đưa ra các minh chứng về cách bạn có thể bắt đầu cuộc trò chuyện về các chủ đề quan tâm. Hãy cho nhà tuyển dụng thấy bạn thú vị như thế nào, bạn có khả năng hòa nhập vào đội nhóm và vui vẻ ra sao nếu không phải là trung tâm của sự chú ý.

Bạn nghĩ gì về những đồng nghiệp cũ?

Qua câu hỏi này, nhà tuyển dụng muốn biết ý kiến của bạn về đồng nghiệp cũ cũng như mức độ khoan dung của bạn đối với người khác. Nhiều ứng viên sẵn sàng bày tỏ sự thất vọng nhưng đây không phải là điều nên làm.

Thái độ trách móc có thể cho thấy bạn là người không hòa đồng. Không nhất thiết phải khen ngợi đồng nghiệp cũ nhưng ít nhất bạn nên nhận xét về họ ở góc độ khách quan và giải thích bạn đã có mối quan hệ tốt với mọi người ra sao.

Bạn sẽ nghỉ hưu nếu tích lũy đủ tiền?

Câu hỏi này thường được nhiều nhà tuyển dụng đặt ra với mục đích đo lường thái độ của bạn đối với công việc và tiền bạc. Nếu bạn nói rằng tiền bạc hoàn toàn không quan trọng với bạn, thì đây không phải là câu trả lời thích hợp và không tạo được ấn tượng. Tiền là thứ quan trọng trong cuộc sống của mỗi người và không thể phủ nhận điều đó. Vì vậy câu trả lời thích hợp sẽ là bạn coi trọng nhiều thứ hơn tiền.

Bạn có thể minh họa rằng bạn muốn được đánh giá thông qua công việc chứ không phải bằng tiền và bạn yêu thích công việc đến mức không nghĩ đến việc nghỉ hưu sớm. Bạn cần thể hiện thái độ của mình không chỉ đối với tiền bạc mà còn là sự tận tâm trong công việc.

Nếu được quay lại, bạn sẽ làm gì khác biệt trong cuộc đời mình?

Đây là một câu hỏi khác để khám phá ra sai lầm, hối tiếc, thất vọng ảnh hưởng đến cuộc sống tính cách và hiệu suất của bạn.

Bạn không nên đề cập đến bất cứ điều gì tiêu cực như mong muốn có thể tránh làm việc với ai đó hoặc công việc gì đó. Đồng thời cũng không nên đưa ra câu trả lời ám chỉ rằng toàn bộ trái tim và tâm hồn của bạn sẽ không dành cho công việc.

Câu trả lời tốt nhất cho các câu hỏi phỏng vấn về thái độ dạng này là hãy cho nhà tuyển dụng thấy bạn là người nhìn thấy mặt tươi sáng của mọi vấn đề và nói chung bạn sẽ không thay đổi điều gì. Tuy nhiên, nếu có một khoảnh khắc ngã rẽ trong cuộc đời mà bạn có thể sử dụng ở đây mà không sợ kết quả tiêu cực, hãy sử dụng – chỉ cần suy nghĩ thật cẩn thận.

Huỳnh Trâm

Sao chép thành công