Bạn đang cảm thấy bị mắc kẹt tại nơi làm việc? Sau 20 năm làm việc, có vẻ như bạn đã đạt đến một đỉnh cao trong sự nghiệp của mình. Bạn cảm thấy tự mãn và không còn mục tiêu để tiếp tục cố gắng. Nếu bạn không muốn bị đào thải, đừng ngủ quên trên chiến thắng và đối mặt với một trong những khủng hoảng đáng sợ nhất trong sự nghiệp của mình: khủng hoảng tuổi trung niên.
Hãy cùng CareerLink.vn chia sẻ những bí quyết giúp bạn vượt qua khủng hoảng và ngày càng tỏa sáng trong nửa chặng đường sự nghiệp còn lại của mình với bài viết dưới đây nhé.
1.Hãy suy nghĩ lại về niềm đam mê của bạn
Khi bạn có trong tay kinh nghiệm 20 năm làm việc, chắc chắn đam mê của bạn sẽ khác so với khi chập chững bước vào nghề. Sẽ đến một thời điểm bạn thực sự mong ước theo đuổi một điều gì đó mạo hiểm và thú vị. Hãy nghĩ những điều bạn mơ ước khi còn trẻ, một công việc khác mà bạn muốn làm từ rất lâu rồi. Xác định được đam mê của mình sẽ giúp bạn có định hướng trên con đường tiếp theo.
2.Nhìn về phía trước
Mọi thứ luôn biến đổi, nếu không bắt kịp với các xu hướng trong lĩnh vực của mình, bạn sẽ trở nên lạc hậu và sớm bị đào thải. Bạn đừng nên chỉ “ăn bám” vào những thành công trong quá khứ mà phải biết nhìn về tương lai. Hãy thường xuyên dành thời gian để suy nghĩ về tương lai của bạn và tìm hiểu về các xu hướng nghề nghiệp mới.
“Tất cả những người đàn ông và phụ nữ thành công đều là những người mơ mộng. Họ mơ mộng về tương lai của họ, lý tưởng trên mọi phương diện, và rồi họ lao động mỗi ngày hướng về viễn cảnh xa xôi ấy cho mục tiêu hay cái đích đến đó” – Brian Tracy – Tác giả, diễn giả nổi tiếng viết về sự phát triển bản thân, khả năng lãnh đạo, kỹ năng bán hàng… Ông hiện là Chủ tịch Công ty Brian Tracy International, một công ty chuyên cung cấp nhân lực có trụ sở chính tại Solana Beach (California), với chi nhánh trải khắp nước Mỹ và 31 nước khác.
3.Lập kế hoạch cho từng giai đoạn
Không có gì đến dễ dàng, chỉ có một công thức chung là phải có kế hoạch, kiên trì, chăm chỉ nỗ lực, đừng nhìn vào thành công của người khác rồi cho là do may mắn. Bạn nên nhớ rằng, may mắn và thành công không phải từ trên trời rơi xuống. Để có được điều đó, bạn cần không ngừng vạch ra các chiến lược và cách thức để thực hiện điều đó. Thiết lập mục tiêu cho sự phát triển nghề nghiệp, xem xét lại các kế hoạch định kỳ nhằm đánh giá lại và cải thiện sự nghiệp của bạn.
4.Duy trì và phát triển mạng lưới quan hệ
Mạng lưới quan hệ là một phần tất yếu trong sự nghiệp của bạn. Andrew Carnegie – Ông vua ngành sắt thép của Mỹ từng nói “Tri thức của các chuyên gia chỉ chiếm 15% trong thành công của họ, 85% còn lại phụ thuộc vào các mối quan hệ xã hội”. Tạo dựng và duy trì mối quan hệ tại công sở không những giúp bạn thăng tiến trong nghề nghiệp, mà còn góp phần tạo một môi trường làm việc tích cực cho bạn mỗi ngày. Vì vậy, đừng quên giữ mối quan hệ với các khách hàng, đồng nghiệp cũ bởi điều này có thể giúp ích cho bạn rất nhiều trong tương lai.
5.Tìm kiếm lời khuyên của các chuyên gia
Để đạt được những mục tiêu lớn, bạn phải có sự trợ giúp và hợp tác của rất nhiều người. Một mình bạn không thể đưa ra những quyết định chính xác được. Vì vậy, bạn nên thường xuyên tham gia các buổi hội thảo về chuyên ngành, hỏi ý kiến chuyên gia hay sếp của bạn về mọi thắc mắc, hay bất kỳ sự thay đổi nào trên thị trường và định hướng cho tương lai. Họ có thể vừa giúp mục tiêu của bạn rõ ràng hơn, vừa giúp con đường để bạn đạt được chúng trở nên sáng tỏ hơn.
6.Xây dựng lòng tin bằng cách giúp đỡ những người khác
Đối với những người đang ở lưng chừng sự nghiệp, điều quan trọng là cần xây dựng lòng tin để mọi người tin tưởng và nghe theo bạn. Bạn có thể tạo cơ hội giúp đỡ, nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn cho các nhân viên mới, giao các dự án cho họ thể hiện. Có như vậy, bạn sẽ đào tạo cho mình một đội ngũ nhân viên trung thành và chuyên nghiệp trong công việc.
7.Hãy thử những điều táo bạo
Nếu bạn đang bị trì hoãn trong phát triển nghề nghiệp và mối quan tâm dành cho công việc đang bị tụt dốc, hãy xem xét đến việc chuyển việc hoặc chuyển nghề. “Dám đổi mới đem đến sự khác biệt giữa người lãnh đạo và nhân viên” – Steve Job.
Thay vì ngại ngần và chờ đợi, hãy bắt tay làm ngay mọi thứ bạn muốn làm. Đi làm thêm, chuyển việc, khởi nghiệp tự kinh doanh. Không phải lúc nào chúng ta cũng thành công với những quyết định trong cuộc sống, nhưng nếu không hiện thực hóa ý định của mình, bạn sẽ luôn sống trong nuối tiếc và thất vọng – thứ kéo lùi sự phát triển của bạn.
Phương Thảo (tổng hợp)