Đối với nhiều người, công nghệ thông tin (CNTT) về cơ bản đồng nghĩa với những vấn đề máy tính mà bạn hay gặp hàng ngày. Mặc dù quan điểm về công nghệ thông tin này không hoàn toàn sai nhưng nó chưa bao quát hết phạm vi của lĩnh vực nghề nghiệp quan trọng này.
Nếu bạn đang muốn hiểu rõ hơn về công nghệ thông tin là gì và các khía cạnh của lĩnh vực này, thì bạn đã đến đúng nơi. Hãy cùng tham khảo những thông tin hữu ích cho người mới bắt đầu trong lĩnh vực này.
Công nghệ thông tin là gì?
Công nghệ thông tin tiếng Anh là Information Technology. Định nghĩa công nghệ thông tin cơ bản nhất là ứng dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề về công việc hoặc liên quan đến tổ chức doanh nghiệp trên phạm vi rộng. Bất kể vai trò là gì, một thành viên của bộ phận công nghệ thông tin làm việc với những người khác để giải quyết các vấn đề công nghệ, cả những chuyện lớn lao hoặc nhỏ nhặt nhất.
Nói cách khác, Công nghệ thông tin đề cập đến việc sử dụng máy tính và phần mềm để quản lý thông tin. Các chuyên gia CNTT tập trung vào việc cải thiện khả năng sử dụng và hiệu quả của các hệ thống và quy trình công nghệ trong khi đảm bảo máy tính và mạng của tổ chức của họ không có lỗi, trục trặc và gián đoạn làm ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp.
Tại sao công nghệ thông tin lại quan trọng?
Hoạt động của hầu hết các doanh nghiệp sẽ chậm lại nếu không có hệ thống công nghệ thông tin. Bạn khó có thể tìm thấy một doanh nghiệp không có ít nhất một phần dựa trên máy tính và kết nối mạng. Duy trì mức độ dịch vụ, bảo mật và kết nối tiêu chuẩn là một nhiệm vụ quan trọng nhưng nó không phải là ưu tiên hàng đầu hoặc thách thức tiềm năng với người làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Ngày càng có nhiều công ty muốn thực hiện các giải pháp trực quan và tinh tế hơn để vươn lên trên các đối thủ cạnh tranh. Hãy cùng xem các nhu cầu mà các chuyên gia công nghệ thông tin hiện tại và tương lai sẽ làm:
Quá tải dữ liệu: Doanh nghiệp cần xử lý lượng dữ liệu khổng lồ. Điều này đòi hỏi một lượng lớn sức mạnh xử lý, phần mềm tinh vi và kỹ năng phân tích của con người.
Các dịch vụ đám mây: Hầu hết các doanh nghiệp không còn vận hành các máy chủ của họ để lưu trữ dữ liệu khổng lồ. Nhiều doanh nghiệp hiện nay đang làm việc với các dịch vụ đám mây – nền tảng lưu trữ dữ liệu bảo mật, hạn chế việc hosting bị “chết” đến 99%.
Băng thông cho lưu trữ video: Các giải pháp hội nghị qua video ngày càng trở nên phổ biến, do đó cần nhiều băng thông mạng hơn để hỗ trợ đầy đủ.
Dựa trên khối lượng của những nhu cầu này, bạn sẽ không quá ngạc nhiên khi biết rằng việc làm trong ngành công nghiệp máy tính và công nghệ thông tin được dự đoán sẽ tăng 13% từ năm 2016 đến năm 2026, nhanh hơn mức trung bình của tất cả các ngành nghề khác.
Công nghệ thông tin gồm những chuyên ngành nào?
Nên học ngành gì trong công nghệ thông tin là điều mà hầu hết các bạn trẻ quan tâm trong quá trình định hướng nghề nghiệp. Dưới đây là một số chuyên ngành trong lĩnh vực công nghệ thông tin:
– Kỹ thuật máy tính là một ngành công nghệ thông tin chuyên về nghiên cứu. Đây là một lĩnh vực kỹ thuật trong đó sinh viên sẽ học cách thiết kế và phát triển phần cứng máy tính như máy tính cá nhân, máy tính xách tay, máy tính bảng, bộ nhớ, lưu trữ, thiết bị mạng và các thành phần phần cứng khác của máy tính.
– Hệ thống thông tin quản lý (MIS) là một chuyên ngành nghiên cứu CNTT khác. Đăng ký vào ngành này, sinh viên sẽ được dạy về cách quản lý dự án, ngân sách, thiết bị công nghệ và con người.
– Khoa học máy tính là ngành tập trung vào lập trình phần mềm và bao gồm các lĩnh vực như phần mềm ứng dụng, hệ chuyên gia (hệ thống dựa tri thức), trí tuệ nhân tạo (AI), phát triển web, mã nhúng và robot.
– Hệ thống thông tin máy tính (CIS): tốt nghiệp chuyên ngành này sinh viên sẽ có thể làm việc như một Quản trị viên mạng, Quản trị viên hệ thống, Kỹ sư hệ thống, Quản trị viên cơ sở dữ liệu, Chuyên gia bảo mật máy tính và Kỹ thuật viên máy tính.
– Một ngành Công nghệ thông tin quan trọng khác là Phần mềm và Dịch vụ. Lĩnh vực này bao gồm thiết kế phần mềm, xuất bản phần mềm và quản lý trang thiết bị tổng hợp.
Ngành công nghệ thông tin học những môn gì?
Ngoài các môn đại cương như Giải tích, Đại số tuyến tính, Xác xuất thống kê, Kỹ thuật lập trình, Hệ điều hành, Công nghệ phần mềm, Ngoại ngữ thì tùy thuộc vào từng chuyên ngành mà sinh viên Công nghệ thông tin sẽ học các môn sau:
– Ngành kỹ thuật máy tính: Hệ thống nhúng, Xử lý tín hiệu số, Cơ sở dữ liệu, An toàn và bảo mật thông tin, Cấu trúc dữ liệu và giải thuật, Lập trình trong kỹ thuật, Quản lý dự án CNTT, Trí tuệ nhân tạo, Vẽ kỹ thuật…
– Ngành Hệ thống thông tin quản lý: Hệ quản trị cơ sở dữ liệu, Cơ sở dữ liệu nâng cao, Cơ sở dữ liệu phân tán, Phân tích và thiết kế hệ thống thông tin, Hệ thống thông tin doanh nghiệp, Thống kê và dự báo trong kinh doanh…
– Ngành Khoa học máy tính: Cấu trúc dữ liệu và giải thuật, Dữ liệu và khai thác dữ liệu, An ninh mạng, Các loại ứng dụng hệ thống thông tin, Xây dựng hệ thống và phát triển phần mềm, Lập trình mạng, Quản trị, kiểm soát và bảo trì mạng, Điện toán đám mây…
– Hệ thống thông tin máy tính: Nền tảng về máy tính và mạng, Phân tích dữ liệu, Lập trình, Các hệ thống thông tin quản lý, Các hệ thống nhúng, Đồ họa máy tính và thực tế ảo, Phân tích thiết kế hệ thống thông tin…
Học công nghệ thông tin ra làm gì?
Dưới đây là một số công việc phổ biến nhất trong ngành Công nghệ thông tin, cũng như mô tả về từng chức danh, hãy cùng tham khảo nhé.
– Lập trình viên máy tính: Các lập trình viên viết mã cho máy tính và biến các thiết kế phần mềm thành hiện thực. Các lập trình viên máy tính thường làm như viết chương trình bằng nhiều ngôn ngữ máy tính, như C ++ và Java; Cập nhật và mở rộng các chương trình hiện có; Kiểm tra và sửa lỗi; Xây dựng và sử dụng các công cụ kỹ thuật phần mềm hỗ trợ máy tính (CASE) để tự động hóa việc viết một số mã…
– Chuyên viên phân tích hệ thống máy tính: Các nhà phân tích hệ thống sẽ đánh giá hệ thống máy tính và quy tình kinh doanh hiện tại của công ty ở cấp độ chi tiết. Họ sẽ đưa ra các khuyến nghị cho việc sử dụng và tương tác công nghệ thông tin nhằm giúp việc kinh doanh hiệu quả hơn. Thông thường, họ làm việc như một cầu nối giữa việc kinh doanh và công nghệ thông tin. Các nhà phân tích hệ thống máy tính phải có bằng cử nhân, thường là Cử nhân Khoa học về Máy tính.
– Quản lý hệ thống máy tính và thông tin (IT Manager): Các nhà quản lý CNTT chỉ đạo các nhóm và điều hành các dự án cho các nhu cầu liên quan đến máy tính trong một tổ chức. Ngoài ra, họ giúp xác định các mục tiêu công nghệ thông tin và triển khai các hệ thống máy tính cần thiết để đáp ứng các mục tiêu đó.
Các IT Manager thường cần có bằng Cử nhân Khoa học Thông tin hoặc Cử nhân Khoa học Máy tính. Nhiều nhà quản lý cũng có bằng tốt nghiệp như Thạc sĩ Khoa học Thông tin hoặc thậm chí bằng tiến sĩ.
– Quản trị viên cơ sở dữ liệu: Quản trị viên cơ sở dữ liệu là các chuyên gia phần mềm tập trung vào các ứng dụng và dịch vụ có chức năng tổ chức và lưu trữ dữ liệu (như hồ sơ tài chính hoặc địa chỉ giao hàng hoặc hồ sơ sức khỏe) cho một doanh nghiệp. Họ cũng đảm bảo tính bảo mật của dữ liệu và tính sẵn có của nó cho người dùng dự định. Các Quản trị viên Cơ sở dữ liệu phải có bằng Cử nhân về Thông tin hoặc Khoa học Máy tính.
– Chuyên viên phân tích bảo mật thông tin, Nhân viên phát triển web, Kiến trúc mạng máy tính: Tất cả ba loại chuyên gia công nghệ thông tin này đều sử dụng công nghệ thông tin để đưa một tổ chức đến gần hơn với các mục tiêu kinh doanh của mình. Các nhân viên phân tích bảo mật có trách nhiệm giữ an toàn thông tin khỏi các cuộc tấn công mạng. Các nhân viên phát triển web thực hiện các yêu cầu hình ảnh, bố cục để tạo ra một trang web trực quan và dễ sử dụng. Các kiến trúc sư mạng chịu trách nhiệm tạo ra các mạng nội bộ mà tất cả nhân viên của một tổ chức sử dụng. Người đảm nhận các vị trí này thường có bằng Cử nhân Khoa học Máy tính hoặc Khoa học Thông tin. Biết nhiều ngôn ngữ lập trình cũng rất quan trọng.
– Quản trị viên hệ thống mạng và máy tính: Họ sẽ chịu trách nhiệm về hoạt động hàng ngày của mạng máy tính của công ty, bao gồm tổ chức, cài đặt và hỗ trợ các hệ thống máy tính, kết nối mạng, mạng nội bộ và các hệ thống truyền thông dữ liệu khác. Họ cũng sẽ cần có bằng Cử nhân về Khoa học Máy tính hoặc Hệ thống Thông tin. Tuy nhiên, đôi khi, bạn có thể được chọn nếu có chứng nhận chuyên nghiệp và có kinh nghiệm làm việc liên quan.
– Nhân viên phát triển phần mềm: Các nhân viên phát triển phần mềm tạo ra các ứng dụng chạy trên máy tính hoặc các thiết bị khác như điện thoại thông minh. Một số nhà phát triển phần mềm tập trung nhiều hơn vào các hệ thống máy tính cơ bản chạy trên các thiết bị hoặc kết nối mạng. Họ cần có bằng Cử nhân Khoa học Máy tính, cũng như các kỹ năng lập trình mạnh mẽ.
Những đặc điểm nào được các nhà tuyển dụng tìm kiếm ở các ứng viên Công nghệ thông tin?
– Kỹ năng giao tiếp: Ứng viên phù hợp nhất với công việc Công nghệ thông tin là những người có kỹ năng giao tiếp mạnh. Từ việc giúp các Giám đốc điều hành phát triển các giải pháp công nghệ đến xử lý sự cố mạng, những người làm trong ngành công nghệ thông tin cần có một mức độ đồng cảm cho phép họ tìm hiểu chính xác những gì khách hàng hoặc đồng nghiệp đang gặp phải và bình tĩnh giúp họ đạt được mục tiêu hoặc giải quyết vấn đề.
– Hiểu về dữ liệu: Xem xét dữ liệu cung cấp giúp điều hành doanh nghiệp đúng cách và cung cấp các giải pháp kinh doanh tốt hơn. Các chuyên gia Công nghệ thông tin có hiểu biết sâu sắc về phân tích dữ liệu có thể nghĩ ra các giải pháp tốt hơn, từ đó tạo ra một dịch vụ hướng tới khách hàng tốt hơn.
– Yêu thích công nghệ: Làm những gì yêu thích, hiệu quả công việc sẽ cao hơn. Cũng giống như vậy, một người yêu thích làm việc với công nghệ và có kiến thức vững chắc về các kỹ thuật hiện đại chắc chắn sẽ thành công trong lĩnh vực này. Ngoài ra, khi một người làm việc tốt hơn sẽ thúc đẩy nhiều nhân viên công nghệ thông tin khác thực hiện công việc tốt hơn.
– Có tinh thần đồng đội: Tất cả nhân viên cùng nhau nỗ lực là điều cần thiết để tạo ra một doanh nghiệp thành công và điều này cũng đúng đối với lĩnh vực công nghệ thông tin. Một người có thể làm việc như một người có tinh thần đồng đội cao sẽ không chỉ được cấp trên xem trọng mà còn trở thành nhân tố quan trọng trong sự phát triển của ngành nghề. Nhà tuyển dụng luôn luôn tìm kiếm những cá nhân như vậy.
– Yêu thích học hỏi: Lĩnh vực công nghệ thông tin không ngừng phát triển. Với việc công nghệ mới xuất hiện mỗi ngày, các công nghệ trước đó sẽ trở nên lỗi thời nhanh chóng. Để bắt kịp nhu cầu, người làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin cần phải sẵn sàng học các công nghệ mới thường xuyên.
Tìm việc công nghệ thông tin ở đâu?
Bạn có thể dễ dàng tìm thấy các thông tin tuyển dụng công nghệ thông tin tại Hà Nội, TPHCM và các thành phố khác trên các trang web việc làm uy tín như trang việc làm IT của CareerLink.
Công nghệ thông tin học trường nào?
Các trường đại học đào tạo Công nghệ thông tin “hot” tại Hà Nội
– Trường Đại học Bách khoa Hà Nội với 3 chuyên ngành Công nghệ thông tin, Hệ thống thông tin, Khoa học máy tính
– Học viện Kỹ thuật Quân sự với chuyên ngành Công nghệ thông tin, Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin quản lý
– Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội với các ngành Công nghệ thông tin, Công nghệ thông tin định hướng thị trường, Hệ thống thông tin, Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu.
– Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông với các ngành Công nghệ thông tin, An toàn thông tin, Công nghệ đa phương tiện, Kỹ thuật điện tử – truyền thông, Công nghệ kỹ thuật điện – điện tử.
– Học viện Kỹ thuật mật mã với các ngành An toàn thông tin, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật điện tử viễn thông
– Đại học FPT với các ngành Kỹ thuật phần mềm, An toàn thông tin, Khoa học máy tính, Điện tử – Truyền thông.
Các trường đại học đào tạo Công nghệ thông tin hàng đầu tại TPHCM
– Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học quốc gia TPHCM với các ngành Khoa học máy tính, Công nghệ thông tin, Máy tính và Công nghệ thông tin, Kỹ thuật điện tử viễn thông.
– Đại học Công nghệ thông tin – Đại học Quốc gia TPHCM với các ngành Khoa học máy tính, An toàn thông tin, Khoa học dữ liệu, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật máy tính
– Trường Đại học Công nghiệp TPHCM với các ngành Khoa học máy tính, Hệ thống thông tin quản lý, Công nghệ thông tin
– Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn
– Trường Đại học Mở TPHCM với các ngành Khoa học máy tính, Công nghệ thông tin, Hệ thống thông tin quản lý
– Trường Đại học Hoa Sen với các ngành Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật phần mềm.
– Trường Đại học Công nghệ thông tin Gia Định với các ngành Mạng máy tính truyền thông và dữ liệu, Kỹ thuật phần mềm.
Các trường đại học đào tạo Công nghệ thông tin tại các tỉnh thành khác
– Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng
– Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế
– Trường Đại học Nha Trang
– Trường Đại học Quy Nhơn
– Trường Đại học Cần Thơ
Ngành công nghệ thông tin thi khối nào?
Hiện nay ngành Công nghệ công ty tiến hành xét tuyển theo các khối như sau:
– Khối A00 gồm các môn Toán, Lý, Hóa
– Khối A01 gồm các môn Toán, Lý, Anh
– Khối D01 gồm các môn Toán, Văn, Anh
– Khối D10 gồm các môn Toán, Địa, Anh
– Khối D07 gồm các môn Toán, Hóa, Anh
Điểm chuẩn Công nghệ thông tin năm 2019
– Điểm chuẩn Công nghệ thông tin Bách Khoa Hà Nội: Công nghệ thông tin Việt Nhật (25,7) – Công nghệ thông tin Global ICT (26) – Công nghệ thông tin Đại học Grenoble (Pháp) (20) – Công nghệ thông tin Đại học Victoria New Zealand (22), Hệ thống thông tin quản lý (24,8), Khoa học máy tính (27.42), Kỹ thuật máy tính (26,85)
– Học viện Kỹ thuật Quân sự với chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm (22,5), Khoa học máy tính (19,25), Hệ thống thông tin quản lý (20), Công nghệ thông tin (23,5)
– Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội với các ngành Công nghệ thông tin (25,85), Công nghệ thông tin định hướng thị trường Nhật Bản (25,85), Hệ thống thông tin quản lý (25), Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu (25,85).
– Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông với các ngành Công nghệ thông tin (24,10), An toàn thông tin (23,35), Công nghệ đa phương tiện (22,55), Kỹ thuật điện tử – truyền thông (21,95), Công nghệ kỹ thuật điện – điện tử (21,05).
– Học viện Kỹ thuật mật mã với các ngành An toàn thông tin (21,50) và Công nghệ thông tin (22,90), Kỹ thuật điện tử viễn thông (20,75).
– Đại học FPT với các ngành Kỹ thuật phần mềm, An toàn thông tin, Khoa học máy tính, Điện tử – Truyền thông với 21 điểm.
– Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học quốc gia TPHCM: Khoa học máy tính (24,60), Công nghệ thông tin (23,20), Máy tính và Công nghệ thông tin (25), Kỹ thuật điện tử viễn thông (20)
– Đại học Công nghệ thông tin – Đại học Quốc gia TPHCM: Khoa học máy tính (22,55), An toàn thông tin (24,45), Khoa học dữ liệu (23,50), Công nghệ thông tin (24,65), Kỹ thuật máy tính (23.80)
– Khoa công nghệ thông tin IUH – Trường Đại học Công nghiệp TPHCM: Khoa học máy tính, Hệ thống thông tin quản lý, Công nghệ thông tin có điểm chuẩn 19,50
– Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn: ngành Công nghệ thông tin điểm chuẩn là 14
– Trường Đại học Mở TPHCM: Khoa học máy tính (19,20), Công nghệ thông tin (20,85), Hệ thống thông tin quản lý (18,90)
– Trường Đại học Hoa Sen: Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu (15), Công nghệ thông tin (15), Kỹ thuật phần mềm (15).
– Trường Đh Công nghệ thông tin Gia Định: Mạng máy tính truyền thông và dữ liệu (14), Kỹ thuật phần mềm (14,5)
– Ngành Công nghệ thông tin Đại học Đà Nẵng: 23
– Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế: Công nghệ thông tin (13,5), Kỹ thuật phần mềm (13)
– Trường Đại học Nha Trang: Hệ thống thông tin quản lý (15), Công nghệ thông tin (17)
– Trường Đại học Quy Nhơn: Kỹ thuật phần mềm (14), Công nghệ thông tin (14)
– Trường Đại học Cần Thơ: Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu (15), Kỹ thuật phần mềm (17,5), Hệ thống thông tin quản lý (15), Kỹ thuật máy tính (15), Công nghệ thông tin (19,75)
Hoàn thành một chương trình đại học là điều cần thiết nếu bạn quan tâm đến một công việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nhưng có nhiều thứ hơn là chỉ hoàn thành các khóa học. Để nổi bật hơn trong ngành công nghệ thông tin, sinh viên phải chủ động và phát triển sự hiểu biết sâu sắc hơn về cách sử dụng các kỹ năng của mình trong các môi trường làm việc khác nhau. Cũng là một ý tưởng tốt nếu bạn nói chuyện với các chuyên gia trong lĩnh vực này để có ý tưởng tốt hơn về các yêu cầu và kỳ vọng của các vị trí đó.
Huyền Nguyễn
Về Tác Giả
Bài Mới Nhất
- Tư vấn nghề nghiệp2024.12.13Key Visual là gì? Nguyên tắc tạo nên một Key Visual ấn tượng
- Tư vấn nghề nghiệp2024.12.13FYI là gì? Những trường hợp nào có thể sử dụng FYI?
- Góc kỹ năng2024.12.13ASAP là gì? Lợi ích và thách thức khi dùng ASAP trong công việc
- Góc kỹ năng2024.12.13CC là gì? Ý nghĩa, cách CC trong email nhanh và chuẩn nhất