Mục Lục
Tester đóng vai trò không thể thiếu trong bất kỳ quy trình phát triển phần mềm thành công nào. Là “hàng rào” cuối cùng trước khi sản phẩm được tung ra thị trường, người làm nghề tester chịu trách nhiệm đảm bảo rằng phần mềm đã phát triển không có lỗi và đáp ứng tốt các yêu cầu kỹ thuật lẫn kinh doanh.
Tuy nhiên ở vị trí đó, họ cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức như anh Hào Văn – một tester dày dặn kinh nghiệm chia sẻ: “Kiểm thử phần mềm chưa bao giờ là một cuộc dạo chơi trong công viên. Áp lực đưa sản phẩm chất lượng cao ra thị trường đồng nghĩa với việc nó phải trải qua nhiều vòng kiểm tra để đảm bảo các sự cố được phát hiện và khắc phục kịp thời. Dù thử nghiệm thủ công hay tự động thì công việc đều không dễ dàng như vẻ ngoài, tester thường gặp nhiều thách thức trong suốt thời gian thử nghiệm khiến công việc vì thế mà cũng đầy căng thẳng”.
Bạn muốn theo nghề tester ư? Thế thì hãy dành chút thời gian để nghe anh Hào Văn nói về những thách thức hàng đầu mà tester thường gặp phải để sẵn sàng tinh thần đối mặt nhé.
Những thách thức mà người theo nghề tester thường gặp phải
Góp ý mà không để bị mất lòng
Hỏi bất kỳ tester có kinh nghiệm nào thì 10 người sẽ có 9 người nói đây là một trong những khó khăn lớn nhất đối với họ. Cái tên tester đã nói lên tất cả, nôm na đó là công việc chuyên đi bắt lỗi. Quá trình thử nghiệm nhằm mục đích tìm ra lỗi trước khi người dùng nhận thấy, vì vậy các tester giỏi chắc chắn sẽ mang đến những tin xấu trong phần lớn thời gian.
Nhưng có lập trình viên nào mà thích nghe về lỗi trong sản phẩm họ tạo ra bao giờ, chưa nói đến việc nhiều lỗi hơn nghĩa là họ có nhiều việc phải làm hơn. Vì vậy, cách giao tiếp của chúng tôi cần phải chính xác, khéo léo và mang tính xây dựng. Nếu bạn cho rằng phải “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên” cũng không hề sai.
Thời gian ít ỏi trong khi có quá nhiều thứ cần thử nghiệm
Thông thường, thời gian được phân bổ cho việc thử nghiệm một dự án sẽ không nhiều. Nếu có nhiều dự án cùng lúc thì thời gian đó càng bị rút ngắn. Trong khi đó trung bình sẽ có khoảng 2 – 7 lỗi trên 1000 dòng mã, mỗi hệ thống lớn có vài triệu dòng mã, cứ thế nhân lên sẽ có hàng trăm thậm chí hàng nghìn lỗi cho một dự án. Không có nhiều thời gian như mong muốn, thậm chí không có đủ nhân lực, thế nên cảm giác vội vàng và áp lực là điều không thể tránh khỏi.
Để tận dụng tốt nhất khoảng thời gian có hạn, những người làm nghề tester chúng tôi phải ưu tiên thử nghiệm dựa trên mức độ rủi ro và tác động, tức là chỉ tập trung vào việc kiểm tra các khía cạnh quan trọng và có rủi ro cao nhất của hệ thống, vì những nơi này có nhiều khả năng xảy ra sự cố nhất. Nhiều lúc biết là còn nhiều lỗi ngoài kia nhưng không thể nào kiểm tra hết, áy náy lắm chứ nhưng biết làm sao được.
“Quá trình phát triển phần mềm đang phát triển từng ngày và những thách thức mà người theo nghề tester phải đối mặt cũng ngày càng tăng.”
Công cụ thiếu phù hợp nhưng vẫn phải sử dụng
Một tiều phu đi đốn củi với chiếc rìu cùn thì làm sao có nhiều củi? Một tester muốn làm tốt việc mà chỉ có công cụ lỗi thời thì sao mà “gột nên hồ”? Nhưng chúng tôi bắt buộc phải làm được.
Nhiều lúc nhận thấy một công cụ không còn phù hợp cho dự án mới nhưng chúng tôi lại không có bất kỳ lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục sử dụng vì công ty đã có giấy phép và sẽ không mua mới cho đến khi hết hạn hiện tại. Nếu không thì cố gắng tìm kiếm giải pháp thay thế nhưng chủ trương là tiết kiệm hàng đầu nhé.
Những cú “quay xe” phút chót đầy hoang mang
Chúng tôi thường nói vui rằng “Thời gian eo hẹp chưa đủ khiến tester xanh mặt hay sao mà các yêu cầu còn hay thay đổi vào phút chót!?”. Không sợ sao được khi chỉ một thay đổi nhỏ trong codebase thôi cũng cần thử nghiệm nhiều lần để đảm bảo tính ổn định và tương thích với mã hiện có.
Ví dụ nếu trình duyệt có bản cập nhật mới, chúng tôi sẽ phải kiểm tra khả năng tương thích của trình duyệt để đảm bảo rằng các tính năng hiện có của trang web vẫn chạy tốt ngay cả sau khi cập nhật. Mặt khác, nếu một tính năng mới được thêm vào trang web vào phút chót, thì phải kiểm tra trình duyệt chéo là cần thiết để đảm bảo rằng tính năng này hoạt động hoàn hảo trên nhiều trình duyệt khác nhau.
Đương nhiên, những thay đổi vào phút 89 này không hề dễ chịu chút nào cộng thêm thời hạn quá sát sao. Đáng nói hơn là không có nhiều cách giải quyết vấn đề này vì nhiều thay đổi là bắt buộc.
Đi tìm sự công nhận
Mặc dù đóng vai trò chính trong việc đảm bảo chất lượng của hệ thống phần mềm, nhưng công việc của tester thường không được đánh giá đúng mức. Sự thiếu công nhận này có thể gây khó chịu và khiến nhiều người mất hết động lực.
Bạn đã từng nghe các developer nói rằng “Test dễ mà. Chuyện quá đơn giản” hay chưa? Tôi thì đã nghe nhiều rồi và tự an ủi rằng có lẽ họ chưa hiểu hết công việc của mình. Tôi cũng đã từng nghe nhiều tester khác than thở rồi ước rằng họ cũng được đánh giá cao về kỹ năng chuyên môn, cũng được thưởng vì những đóng góp hay ít ra cũng được cấp trên công nhận vì sự chăm chỉ và cống hiến. Tôi rất cảm thông với họ vì bản thân muốn có thêm các kỹ năng mới phục vụ công việc thì cũng tự bỏ tiền túi ra mà học.
Nói như vậy nhưng không phải 100% tester đều bị “lạnh nhạt”. Cũng có một số người may mắn tìm được môi trường tốt, có sếp tâm lý yêu thương và tạo nhiều điều kiện phát triển. Điều đó giúp họ có thêm động lực và gắn bó lâu dài.
Đây chỉ là vài thách thức lớn mà tôi có thể nghĩ đến lúc này. Tin rằng mỗi chúng ta sẽ nhanh chóng vượt qua nếu coi đó là lẽ đương nhiên và là cơ hội để học được những kiến thức mới và kỹ năng mới nhằm trở thành một tester chính hiệu. Nếu bạn không ngại các thách thức này thì xin chào mừng bạn đến với nghề tester đầy “màu sắc”.
Huỳnh Trâm
Về Tác Giả
Bài Mới Nhất
- Tư vấn nghề nghiệp2025.01.15Trực giác là gì? Làm thế nào để trực giác nhạy cảm hơn?
- Tư vấn nghề nghiệp2025.01.15MNC là gì? Lợi ích khi làm việc tại các MNC
- Tư vấn nghề nghiệp2025.01.15Chief of Staff là gì? Trách nhiệm cụ thể của Chief of Staff
- Tư vấn nghề nghiệp2025.01.15Mentee là gì? Lợi ích khi là một mentee