Mục Lục
- Điều đầu tiên là cần giúp Sales và Marketing hiểu rằng cả hai đều là cánh tay đắc lực của hoạt động kinh doanh và có tác động lẫn nhau.
- Tạo cơ hội giúp tăng cường sự tương tác giữa hai bên như cùng nhau xử lý các thách thức hay đưa ra các giải pháp sáng tạo.
- Vạch ra lợi ích của việc cả hai nhóm làm việc ăn ý cùng nhau
Mâu thuẫn giữa Sales và Marketing là điều thường xuyên xảy ra và giải quyết mâu thuẫn này là một trong những phần khó chịu nhất trong công việc của người lãnh đạo.
“Marketing chỉ biết tiêu tiền là giỏi chứ không đem lại lợi ích gì. Dành tiền đó để tuyển thêm sales hoặc tăng lương thưởng cho sales có phải hay hơn không”, “Marketing không tiếp xúc với khách hàng thì làm sao hiểu được họ nghĩ gì”, “Marketing mang về các khách hàng không phù hợp”…
“Sales chỉ tập trung vào những mục tiêu ngắn hạn mà không quan tâm gì đến định vị thương hiệu và quá chậm trong việc bắt kịp tốc độ ra đời của các sản phẩm mới”, “Sales là những người thiển cận, quá tập trung vào trải nghiệm của từng khách hàng, nhận thức chưa đầy đủ về thị trường lớn hơn và hoàn toàn mù tịt về tương lai”, “Doanh số không đạt được là do sales không có khả năng chốt đơn”…
Chuyện Sales và Marketing làm căng và đổ lỗi cho nhau như thế này không hề hiếm ở các doanh nghiệp lớn và nhỏ nếu không nói là rất phổ biến, nhất là khi họ không đạt được chỉ tiêu. Việc tranh cãi này lâu dần sẽ tạo ra sự đối đầu và môi trường làm việc căng thẳng. Hơn nữa, khi hai nhóm không làm việc cùng nhau hiệu quả, doanh thu của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng.
Có cách nào chấm dứt tình trạng này để hai bộ phận làm việc gắn kết và thân thiện hơn không? Anh Nguyễn Minh An, Giám đốc điều hành sẽ cho chúng ta biết câu trả lời ngay sau đây.
“Để cùng nhau tạo ra giá trị cho doanh nghiệp và khách hàng, Sales và Marketing chỉ cùng tồn tại thôi là chưa đủ.”
Điều đầu tiên là cần giúp Sales và Marketing hiểu rằng cả hai đều là cánh tay đắc lực của hoạt động kinh doanh và có tác động lẫn nhau.
Một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến “cơm không lành canh không ngọt” giữa Sales và Marketing là sự thiếu hiểu biết về vai trò của từng bên cũng như mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau. Thông thường, Sales chỉ nghĩ Marketing có chức năng hỗ trợ hơn là yếu tố chính góp phần vào sự phát triển kinh doanh, trong khi Marketing cho rằng công việc của Sales quá dễ dàng – chỉ cần chốt giao dịch với các khách hàng tiềm năng mà Marketing đã dày công mang về.
Thực tế thì Sales và Marketing đều có vai trò quan trọng trong quá trình bán hàng và một trong hai bên sẽ không hoạt động hiệu quả nếu thiếu vắng bộ phận còn lại.
Dễ dàng thấy rằng, Marketing thực hiện các chiến lược tiếp thị dựa trên dữ liệu bán hàng hiện có để tạo ra khách hàng tiềm năng và chuyển giao cho Sales. Sales nhận được và phản hồi lại cho nhóm tiếp thị về chất lượng của khách hàng tiềm năng đó.
Sales thuyết phục khách hàng mới và chốt giao dịch, tạo ra doanh thu đồng thời thu thập phản hồi để cung cấp cho Marketing giúp họ có dữ liệu thực hiện các chiến lược tiếp thị trong tương lai hiệu quả hơn.
“Nói một cách đơn giản, nếu không có Marketing, Sales sẽ không có khách hàng tiềm năng. Ngược lại, nếu không có Sales, Marketing sẽ không có phản hồi cần thiết để cải thiện các hoạt động tiếp thị. Đây là điều bạn cần giải thích cho hai bên để có sự nhận thức rõ ràng về nhau”, anh Minh An gợi ý.
Tạo cơ hội giúp tăng cường sự tương tác giữa hai bên như cùng nhau xử lý các thách thức hay đưa ra các giải pháp sáng tạo.
“Hầu hết các nhà lãnh đạo đều tin rằng giao tiếp cởi mở và thường xuyên là một trong những yếu tố then chốt của doanh nghiệp thành công. Đối với tôi, nó cũng giúp cải thiện mối quan hệ giữa Sales và Marketing”, anh Minh An khẳng định. “Đôi khi, các vấn đề phát sinh đòi hỏi phải có giải pháp từ nhiều bộ phận và bạn có thể tận dụng cơ hội này để tăng cường sự tương tác của cả hai bên. Chẳng hạn như Sales muốn có khách hàng tiềm năng tốt hơn, đó là nhiệm vụ của Marketing. Hoặc Marketing muốn có phản hồi về các hoạt động tiếp thị kỹ thuật số như số lượng cuộc gọi hỏi thăm sản phẩm, lượng hàng được đặt… và đây là thông tin mà Sales có thể cung cấp”.
Theo anh Minh An, việc dành thời gian để cả hai nhóm cùng nhau để giải quyết vấn đề không chỉ khiến bạn ngạc nhiên bởi những gì họ nghĩ ra mà còn giúp họ hiểu về công việc mà bộ phận khác đang làm đồng thời tăng thêm sự thấu hiểu và đồng cảm, từ đó sự hợp tác sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Nếu bạn cho rằng Sales và Marketing chỉ hợp tác với nhau để ứng phó với những vấn đề khó khăn sẽ chỉ làm tăng thêm sự bất bình và cảm giác tiêu cực giữa hai bên thì hãy khuyến khích họ dành thời gian để cùng nhau sáng tạo, chỉ đưa ra các ý tưởng mà không có bất kỳ cuộc tranh luận hay chỉ trích gay gắt nào. Các cuộc thảo luận này không cần phải được tổ chức rầm rộ mà chỉ có thể đơn giản là các cuộc trò chuyện cởi mở ở văn phòng hoặc thậm chí là các quán cà phê. Không gian thư giãn sẽ khiến mọi người thoải mái chia sẻ hơn.
Vạch ra lợi ích của việc cả hai nhóm làm việc ăn ý cùng nhau
Đây cũng là điều rất quan trọng bởi đôi lúc chỉ vì nhìn mọi thứ dưới góc độ cạnh tranh nên cả hai nhóm Sales và Marketing quên đi lợi ích khi làm việc cùng nhau. Công việc của bạn lúc này ở vai trò lãnh đạo là truyền đạt cho hai nhóm lý do tại sao sự cộng tác lại quan trọng. Đó có thể là xác định chân dung người mua chính xác, thu hút về những khách hàng tiềm năng chất lượng hơn, nhận được phản hồi tốt hơn và rõ ràng hơn, tạo ra các sản phẩm/dịch vụ vượt trội hoặc thực hiện các chiến dịch tiếp thị tốt hơn, tăng doanh thu và đi trước đối thủ cạnh tranh…
Nhưng lời nói thì chưa đủ sức nặng, phải không? Hãy đưa ra dữ liệu cho thấy sự tiến bộ của họ khi hợp tác đồng bộ.
“Giả sử nhóm Marketing đã phân bổ ngân sách cao hơn bình cho quảng cáo trên Facebook, tuy nhiên ngay từ tuần đầu tiên Sales đã nhận nhiều khách hàng đến từ quảng cáo Google. Nhờ sự hợp tác cởi mở và chặt chẽ, nhóm Marketing có thể nhanh chóng phân bổ lại ngân sách quảng cáo trên các nền tảng. Sự điều chỉnh kịp thời này đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm bao nhiêu ngân sách đồng thời lượng khách tăng cao ra sao, lượng hàng bán ra nhiều hơn so với tháng trước thế nào… hãy minh bạch số liệu để họ có thể thấy rõ ràng tác dụng của việc hợp tác và có động lực làm việc với nhau một cách hài hòa, thậm chí biến sự hợp tác này trở thành thói quen”, anh Minh An chia sẻ.
Khi hai bàn tay chạm vào nhau, chúng tạo ra thứ gì đó tốt hơn một bàn tay; khi hai nhóm Sales và Marketing đoàn kết vì mục tiêu chung thì sẽ đạt được thành tựu đáng kể. Áp dụng những điều được gợi ý, bạn chắc chắn sẽ thấy sự hợp tác giữa hai nhóm nổi tiếng là có mâu thuẫn này được cải thiện, không khí tại nơi làm việc bớt căng thẳng hơn và doanh nghiệp của bạn sẽ phát triển vững mạnh hơn.
Pha Lê
Author Profile
Latest entries
- Nghệ thuật quản lý2024.12.02Tuyệt chiêu xây dựng đội ngũ hợp tác và chia sẻ
- Bí quyết tuyển dụng2024.11.265 sáo ngữ cần tránh khi viết tin tuyển dụng và gợi ý thay thế
- Nghệ thuật quản lý2024.11.18Khắc phục phong cách quản lý vi mô bằng cách nào?
- Nghệ thuật quản lý2024.11.04Làm gì để nhân viên ít hỏi lại và nâng cao tinh thần chủ động?