Tinh thần làm việc nhóm của nhân viên mang lại lợi ích gì và làm gì để xây dựng điều này trong đội ngũ nhân viên?
Hãy nghĩ lại những khoảnh khắc thú vị nhất trong cuộc đời và sự nghiệp của bạn. Hãy nhớ lại các dự án thành công hoặc những lần bạn đã giúp thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Bạn đã làm điều đó một mình? Chắc là không. Nhiều khi, thành tựu khiến chúng ta hài lòng nhất là kết quả của việc xắn tay áo làm việc cùng đội nhóm và đạt được mục tiêu chung. Dự án thành công nhờ vào sức mạnh của sự hợp tác.
Tinh thần làm việc nhóm mang lại lợi ích gì?
Nhân viên hạnh phúc hơn
Khi các nhóm hoạt động hiệu quả, nhân viên sẽ thoải mái chia sẻ ý tưởng sáng tạo của họ trong khi vẫn có cảm giác gần gũi thực sự. Họ cảm thấy bản thân có giá trị, làm việc năng suất và hài lòng với công việc khi đóng góp vào các mục tiêu của doanh nghiệp.
Ý tưởng, đổi mới và năng suất
Tương tác nhóm khuyến khích sự trao đổi thoải mái các ý tưởng có thể thúc đẩy sự đổi mới. Hợp tác cũng tạo ra một văn hóa công sở kết nối và mọi thành viên sẵn sàng hỗ trợ, cùng nhau chia sẻ khối lượng công việc để hoàn thành nhiệm vụ một cách nhanh chóng.
Thu hút và giữ chân nhân tài hàng đầu
Hạnh phúc của nhân viên bắt nguồn từ những thứ như được đánh giá cao, hoàn thành tốt công việc và hỗ trợ của đồng nghiệp – là chìa khóa cho lòng trung thành của nhân viên. Văn hóa hợp tác tại nơi làm việc cũng có thể giúp công ty thu hút các nhân tài hàng đầu.
Nhân viên hạnh phúc đồng nghĩa với khách hàng hạnh phúc
Khi nhóm cung cấp những kỹ năng và ý tưởng tốt nhất của họ, họ có nhiều khả năng tạo ra những sản phẩm và dịch vụ tốt hơn cho khách hàng. Và những gì tốt cho khách hàng đồng nghĩa với việc có lợi cho kết quả kinh doanh. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng các công ty có nhân viên kết nối cao đạt được doanh thu hàng năm tăng gấp đôi so với các công ty có nhân viên ít gắn bó hơn.
Tinh thần làm việc nhóm hiệu quả không phải ngẫu nhiên mà có. Là nhà quản lý, bạn phải thúc đẩy tinh thần đội nhóm để đưa công ty lên một tầm cao mới.
Vậy làm thế nào để nâng cao tinh thần đồng đội trong văn phòng? Dưới đây là một vài gợi ý dành cho bạn.
Làm rõ vai trò
Nếu có bất kỳ sự mơ hồ nào về vai trò và trách nhiệm, các thành viên sẽ không thể làm việc cùng nhau một cách hiệu quả. Thậm chí tệ hơn, một thành viên nào đó có thể “đẩy” phần việc của họ sang cho đồng nghiệp khác. Điều này rõ ràng là không công bằng và tạo ra sự bất bình.
Thế nên, điều quan trọng là các vai trò và trách nhiệm phải được phân chia rõ ràng. Thông tin này nên công khai để tất cả mọi người có thể tham khảo nếu có mâu thuẫn liên quan đến nghĩa vụ. Điều này đặc biệt quan trọng với nhân viên làm việc từ xa, vì họ sẽ không có cơ hội gặp gỡ trực tiếp để giải quyết bất kỳ câu hỏi cấp thiết nào liên quan đến trách nhiệm.
Khen thưởng cho tinh thần đồng đội xuất sắc
Một trong những cách tốt nhất để nâng cao tinh thần làm việc nhóm tại nơi làm việc là công nhận thành tích của nhân viên. Nếu một cá nhân làm nhiều hơn mô tả công việc để giúp doanh nghiệp nói chung, hãy đảm bảo rằng họ cảm thấy được đánh giá cao vì những nỗ lực đã bỏ ra. Cũng cần đề cao những nhân viên luôn nỗ lực hết mình để giúp đỡ đồng nghiệp đang gặp khó khăn, ngay cả khi điều này không gắn liền với các mục tiêu kinh doanh. Khi các thành viên được khen thưởng vì đã giúp đỡ lẫn nhau, tinh thần đồng đội sẽ tự nhiên được cải thiện.
Thúc đẩy giao tiếp thường xuyên
Khi nhân viên của bạn làm việc như một nhóm, điều duy nhất sẽ quyết định xem họ có thành công hay không là họ giao tiếp với nhau tốt như thế nào. Ngay cả khi bạn đã tuyển dụng những tài năng hàng đầu, họ vẫn có thể thiếu các kỹ năng giao tiếp cần thiết, điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến tinh thần của toàn đội. Nếu các thành viên trong nhóm không chia sẻ ý tưởng, suy nghĩ của họ và tiến độ liên quan đến nhiệm vụ đang thực hiện thì toàn bộ nhóm có thể sẽ tiến hành sai hướng.
Do đó, ở vai trò quản lý, bạn cần nhận ra các hành vi đó và thực hiện các biện pháp thích hợp để phá vỡ các “tảng băng” giữa các thành viên trong nhóm, chẳng hạn như:
– Tổ chức các cuộc họp trực tiếp, brainstorming để nhân viên giao tiếp và chia sẻ ý tưởng;
– Cung cấp các khóa đào tạo kỹ năng giao tiếp để giúp nhân viên có được sự hiểu biết đầy đủ và chính xác khi giao tiếp với người khác;
– Hoặc đơn giản là ăn uống cùng nhau sau giờ làm hoặc cùng đi chơi trong ngày.
Tạo văn hóa hợp tác chứ không phải cạnh tranh
Mục tiêu cuối cùng của làm việc nhóm là thúc đẩy sự hợp tác nhưng đôi khi nó có thể biến thành một cuộc cạnh tranh. Nhiều nhà quản lý mắc sai lầm khi so sánh các nhân viên với nhau, đây thực sự là một thói quen không nên mắc phải.
Mỗi thành viên có trách nhiệm và kỹ năng riêng. Nếu bạn đang so sánh họ với người khác đồng nghĩa với việc không tôn trọng họ cũng như công việc của họ. Điều này ảnh hưởng đến tinh thần và làm giảm động lực của đội, đồng thời cũng làm phát sinh mâu thuẫn nội bộ giữa các thành viên trong nhóm. Do đó, bạn cần hạn chế tạo ra bất kỳ hình thức cạnh tranh nào giữa các thành viên và khuyến khích giao tiếp cởi mở.
Giải quyết vấn đề kịp thời
Khi vấn đề phát sinh, hãy giải quyết chúng một cách nhanh chóng và công bằng. Nếu có thể, hãy lường trước những xung đột tiềm ẩn và xử lý từ trong “trứng nước” trước khi chúng vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Ví dụ, nếu hai thành viên trong nhóm không hòa hợp với nhau mặc dù bạn đã cố gắng kết nối, hãy giao cho họ những nhiệm vụ riêng biệt không yêu cầu họ phải tương tác thường xuyên. Khi xử lý vấn đề, hãy đảm bảo giải pháp của bạn vẫn tập trung vào mục tiêu của nhóm, đồng thời phân chia khối lượng công việc một cách công bằng và hợp lý.
Tinh thần làm việc nhóm và hợp tác tại nơi làm việc không tự nhiên đạt được mà cần có sự nỗ lực. Khi nhân viên nhận được sự hỗ trợ lẫn nhau và từ người quản lý cũng như hiểu được cách cộng tác, khoảng cách sẽ được rút ngắn và đội nhóm sẽ trở nên hiệu quả hơn.
Kiều Giang
Author Profile
Latest entries
- Nghệ thuật quản lý2024.12.02Tuyệt chiêu xây dựng đội ngũ hợp tác và chia sẻ
- Bí quyết tuyển dụng2024.11.265 sáo ngữ cần tránh khi viết tin tuyển dụng và gợi ý thay thế
- Nghệ thuật quản lý2024.11.18Khắc phục phong cách quản lý vi mô bằng cách nào?
- Nghệ thuật quản lý2024.11.04Làm gì để nhân viên ít hỏi lại và nâng cao tinh thần chủ động?