Tuyển nhân sự mới – Bài toán khó cho startup (Kỳ 1)

Bài toán nan giải mà các startup thành công phải vượt qua chính là tuyển dụng nhân sự mới. Việc tìm kiếm ứng viên phù hợp giữa thị trường lao động đầy cạnh tranh không phải chuyện đơn giản, và nếu không có nhiều kinh nghiệm thì một sai lầm cũng đủ “níu chân” đà phát triển của startup. 6 điều cần tránh được liệt kê trong bài viết dưới đây của CareerLink.vn sẽ phần nào giúp cho việc tuyển dụng thêm nhân sự mới của startup đạt được hiệu quả cao nhất.

1.Bắt đầu việc tuyển dụng quá trễ

Đội ngũ startup thường giỏi chuyên môn, thừa đam mê, nhưng ít kinh nghiệm quản trị nguồn nhân lực, đặc biệt là các bạn trẻ khởi nghiệp lần đầu. Do quá tập trung vào việc phát triển startup, nên các bạn lơ là phần nào mảng nhân sự tương lai. Và khi startup bắt đầu được rót vốn hoặc nhận các hợp đồng lớn đầu tiên, thì đội ngũ dễ rơi vào tình trạng đuối sức hoàn toàn bởi sự bùng nổ của “núi việc”.

Để giải quyết vấn đề này thì cần đến tầm nhìn quản trị của các bạn startup nòng cốt. Mọi người phải tự ý thức về giới hạn của bản thân, và cùng nhau xem xét vấn đề nhân lực tương lai ngay khi dấu hiệu “quá tải” nhen nhóm. Bất kì một kế hoạch tuyển dụng nào thì đều cần thời gian để có sự chuẩn bị hoàn chỉnh nhằm phát huy hiệu quả cao nhất khi bắt đầu.

2.Kết thúc đợt tuyển dụng quá sớm

Với những công ty lớn, vững mạnh tài chính, và sẵn sàng đầu tư nhiều kinh phí vào đợt tuyển dụng rộng khắp, thì họ có thể kết thúc sớm hơn đợt tuyển dụng khi tìm kiếm đủ các ứng viên phù hợp. Trong khi đó, không phải startup nào cũng “nổi như cồn”, và tiết kiệm ngân sách luôn là ưu tiên hàng đầu.

Do đó, thời gian tuyển dụng nên được kéo dài nhằm giúp cho tin tuyển dụng của startup đến được với nhiều đối tượng hơn. Từ đó, startup sẽ có thêm nhiều cơ hội để tìm kiếm, sàng lọc, và thử việc để chọn ra ứng viên phù hợp nhất.

3.Quá tin tưởng vào những mối quan hệ quen biết

Đây là “nguồn” mà rất nhiều startup ưu tiên chọn vì tiết kiệm thời gian, và kinh phí. Những người cộng sự cốt cán của startup sẽ ứng cử các “phụ tá” đắc lực mà tự bản thân họ cho là phù hợp nhất. Tuy nhiên, việc tuyển dụng chỉ đơn thuần dựa vào tín nhiệm quan hệ sẽ không bền lâu. Và nếu buộc phải sa thải các nhân viên “quen biết” thì sẽ vô hình chung dẫn đến rạn nứt về quan hệ trong nội bộ nòng cốt với nhau.

Mỗi sự bổ sung nhân sự của startup không chỉ giải quyết các nhu cầu ngắn hạn, mà nên nhìn về dài hạn. Bởi vì sự đoàn kết là sức mạnh cốt lõi của startup nên mỗi nhân viên phải là “mảnh ghép hoàn thiện”. Do đó, phương án tuyển dụng nhân sự dựa vào quan hệ vẫn nên được áp dụng vì ích lợi của nó, chỉ cần ứng viên đã chọn đều được tập thể startup nhất trí đồng thuận thông qua.

4.Chỉ ưu tiên các ứng viên có kinh nghiệm

Kinh nghiệm làm việc là một trong những yếu tố lưu tâm hàng đầu khi lựa chọn ứng viên, nhưng quan trọng hơn cả là sự phù hợp với văn hóa startup. Thêm nữa, các ứng viên “dày dạn sương gió” sẽ có yêu cầu về lương bổng, phúc lợi cao hơn sinh viên, người mới đi làm.

Các ứng viên mới ra trường có thể “non trẻ” về kinh nghiệm, kỹ năng nhưng bù lại tinh thần làm việc luôn nhiệt huyết, đầy tính cầu tiến. Do đó, tùy thuộc vào thái độ khi phỏng vấn của ứng viên, điều kiện thực tại, và đường lối phát triển của mỗi startup để đưa ra quyết định phù hợp. Có thể, việc đào tạo sẽ phần nào giảm đà phát triển của startup, nhưng “lùi một bước mà tiến ba bước” thì cũng rất đáng cân nhắc.

5.Quá trình phỏng vấn diễn ra đơn điệu, thiếu thử thách

Sẽ chẳng dễ dàng gì để cuốn hút các ứng viên tiềm năng khi startup của bạn chỉ “có tên mà chưa có tuổi”, và tài chính còn nhập nhằng. Điều quan trọng hơn là những thành viên mới buộc phải đảm bảo đủ năng lực, và dễ hòa nhập với văn hóa công ty.

Do đó, quá trình phỏng vấn là một cơ hội không phải chỉ cho các ứng viên mà còn cho chính startup. Các đồng sự phải cùng nhau chuẩn bị đầy đủ vấn đề cần nói để gây ấn tượng mạnh với ứng viên về tiềm năng phát triển, và sự khác biệt độc đáo của startup. Thêm nữa, đánh giá thực lực của ứng viên không phải chỉ bằng CV, hoặc các câu hỏi thông thường mà thay vào đó nên là những tình huống thử thách sáng tạo, hoặc các bài kiểm tra logic ngắn.

6.Thiếu quyết đoán trong việc tuyển dụng và sa thải

Quyết định tuyển dụng hoặc sa thải sẽ là điều không dễ dàng gì với các bạn startup lần đầu. Nhưng đây là điều nên làm “nhanh” sau khi các bạn đã cân nhắc kỹ, và đồng loạt thống nhất. Thị trường lao động luôn thay đổi rất nhanh. Do đó, chần chừ quá lâu trước lời đề nghị của một ứng viên tốt, hoặc tỏ ra “mềm yếu” khi quyết định sa thải sẽ chỉ khiến startup lỡ mất cơ hội phát triển, cũng như làm kế hoạch tương lai bị giậm chân tại chỗ.

Trung Thành

Sao chép thành công