Những điều cần tránh khi tuyển dụng nhân sự

Một trong những yếu tố quyết định sự thành công của một doanh nghiệp là quá trình tuyển dụng nhân sự. Tuy nhiên không hẳn là nhà tuyển dụng nào cũng có kinh nghiệm để đảm bảo rằng việc tuyển dụng không gặp bất kỳ sai lầm nào. CareerLink.vn xin chia sẻ một số điều mà doanh nghiệp lưu ý trong quá trình tuyển dụng nhân sự.

Tuyển dụng người quen biết

Trên thực tế cho thấy rất nhiều công ty tuyển dụng nhân viên dựa trên các mối quan hệ quen biết từ trước nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí. Họ cho rằng những người quen biết thường đáng tin cậy và dễ hợp tác trong làm việc. Tuy nhiên hãy nhớ một điều rằng tuyển dụng nhân sự là để chọn người tài, phù hợp với công việc về phục vụ cho công ty, doanh nghiệp chứ không phải chọn người quen thân. Đôi khi chính những người bạn đặt niềm tin lại khiến bạn gặp khó khăn hơn trong phân công công việc cũng như tranh chấp lợi ích đi kèm. Vì vậy, với tư cách là một nhà tuyển dụng khách quan, bạn hãy đặt lợi ích của công ty lên hàng đầu để tìm những ứng viên phù hợp nhất.

Tuyển người của đối thủ cạnh tranh

Trước hết, bạn cũng nên nhận định rằng tuyển được người phù hợp từ công ty của đối thủ cạnh tranh là một chiến lược khôn ngoan. Bởi họ đã có kinh nghiệm và kỹ năng nhất định với công việc. Tuy nhiên, không phải người nào cũng là nhân viên phù hợp với văn hóa công ty, đáp ứng những yêu cầu công việc riêng của công ty bạn. Để tránh sai lầm này, nhà truyển dụng cần tìm hiểu kỹ năng lực thực sự của ứng viên, nhất là sự hiểu biết về kĩnh vực mà công ty đang theo đuổi. Điều này sẽ tránh cho công ty bạn tuyển dụng những nhân viên kém chất lượng và bị đào thải từ đối thủ cạnh tranh.

Không hiểu hết về công việc đang cần tuyển dụng

Đây là trường hợp phổ biến khi doanh nghiệp chỉ chăm chăm lấp đầy chỗ trống trong bộ máy tổ chức mà không thật sự hiểu biết về công việc đang cần tuyển dụng. Nhất là trong quá trình phỏng vấn, nếu nhà tuyển dụng không thể cung cấp những thông tin chính về vị trí công việc, chính sách công ty khi ứng viên đặt câu hỏi thì sẽ khiến ứng viên mất niềm tin vào chính công ty đó. Hãy thử nghỉ xem, liệu một ứng viên có sẵn sàng cống hiến sức lực và trí tuệ của mình cho một công ty mà không hiểu rõ công việc của mình, mà đại diện ở đây chính là nhà tuyển dụng. Vì vậy, để khắc phục tình trạng này, bạn cần phải cần phải xây dựng bản mô tả công việc, trong đó nêu rõ chức năng, nhiệm vụ, các công việc cụ thể cần thực hiện đối với từng vị trí cần tuyển dụng. Bảng mô tả càng chi tiết, cụ thể thì sẽ giúp bạn càng dễ dàng chọn ra ứng viên sáng giá và phù hợp với vị trí cần tuyển.

Không nghiên cứu hồ sơ ứng viên trước khi phỏng vấn

Hồ sơ xin việc chính là bản tóm tắt những kỷ năng, kinh nghiệm của ứng viên mà ở đó nhà tuyển dụng chỉ cần tìm hiểu cụ thể là có thể biết được hồ sơ nào phù hợp với vị trí tuyển dụng, hồ sơ nào không. Sẽ thật sai lầm nếu bạn cho rằng tất cả những gì ứng viên liệt kê trong hồ sơ đều là sự thật. Để tìm được những ứng viên sáng giá, bạn cần tìm hiểu về công việc, kinh nghiệm trước đây của họ thông qua công ty cũ, người quen biết.. để có những lời đánh giá sơ bộ về chuyên môn, trình độ, thái độ làm việc. Tất cả những thông tin này là vô giá và giúp bạn có thể đánh giá ứng viên một cách dễ dàng, nhanh chóng và chính xác nhất.

Quá xem trọng bằng cấp

Không thể phủ nhận rằng những ứng viên có trình độ chuyên môn, bằng cấp tốt có những nền tảng nhất định để đáp ứng công việc. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào tiêu chí này để xét tuyển thì công ty của bạn có thể sẽ bỏ qua những ứng viên thật sự có kinh nghiệm để hoàn thành tốt vị trí công việc cần tuyển. Bạn có biết xu hướng tuyển dụng hiện nay là coi trọng chất lượng, hiệu quả công việc chứ không phải là bằng cấp. Một số ứng viên có bề dày bằng cấp thường là những ứng viên thiếu kinh nghiệm thực tế vì họ phải dành phần lớn thời gian cho việc học hành hơn là xa chạm thực tế. Tuy nhiên, với một số lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn cao thì bằng cấp đóng vai trò rất quan trọng, chứng tỏ ứng viên đủ trình độ để đảm nhiệm yêu cầu công việc. Vì vậy, giải pháp ở đây là trung hòa giữa kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực tế, từ đó tìm kiếm ứng viên phù hợp nhất với công việc cần tuyển.

Đi tìm ứng viên hoàn hảo

Có nhiều nhà tuyển dụng thường mất khá nhiều thời gian để đi tìm một nhân viên hoàn hảo, đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Tuy nhiên, điều này rất khó thực hiện, nếu không nói là bất khả thi. Bởi một người dù đã làm tốt công việc đến đâu đi chăng nữa thì cũng không tránh khỏi những lúc gặp phải sai lầm. Chính từ những trải nghiệm này mới khiến họ trở nên bản lĩnh và giàu kinh nghiệm trong xử lý và giải quyết công việc. Vì vậy, nếu tìm được một ứng viên có thể đáp ứng 70% yêu cầu đặt ra thì bạn nên cho họ cơ hội để bắt đầu thử việc. Đó cũng là thời gian để bạn kiểm tra và đánh giá chất lượng làm việc của nhân viên đó.

Trên đây là những điều mà một nhà tuyển dụng cần tránh trong quá trình tìm kiếm nhân sự. Đừng để những sai lầm dù nhỏ nhất khiến bạn mất đi một nhân viên tài năng trong tương lai. Chúc bạn sẽ chọn được những ứng viên phù hợp nhất cho công việc.

Phương Thảo

Sao chép thành công