Bí quyết để chuẩn bị một buổi phỏng vấn tốt

Để có được một công việc tốt, việc chuẩn bị cho những buổi phỏng vấn tốt là điều vô cùng quan trọng. Buổi phỏng vấn là nơi bạn thể hiện bản thân mình với nhà tuyển dụng, chứng minh cho họ thấy bạn là người thích hợp cho vị trí mà họ đang cần. Do đó nếu có sự chuẩn bị chu đáo, những điều bạn thể hiện trong buổi phỏng vấn sẽ là bằng chứng thuyết phục giúp nhà tuyển dụng lựa chọn bạn.

Khởi động cho quá trình săn việc trong những tháng đầu năm, hôm nay CareerLink.vn giới thiệu đến bạn một số mẹo nhỏ để có được một buổi phỏng vấn thật tốt. Cùng xem nhé!

1.Có sự chuẩn bị chu đáo

Hãy chắc chắn là bạn đã tìm hiểu kỹ về vị trí mà bạn ứng tuyển, các tiêu chí cần thiết cho vị trí này và có được những thông tin cơ bản về công ty hay nhà tuyển dụng đó. Đây là những điều cơ bản chứng tỏ bạn thực sự quan tâm và trân trọng vị trí này, đồng thời cũng thể hiện sự nhiệt tình và mức độ quan tâm của bạn đến những thông tin mà công ty cung cấp.

Quá trình chuẩn bị này sẽ được nhà tuyển dụng đánh giá thông qua những câu trả lời buổi phỏng vấn. Khi bạn tìm hiểu càng nhiều, bạn sẽ có nhiều thứ hơn để chia sẻ khi trả lời các câu hỏi. Dựa trên đó bạn cũng sẽ có nền tảng cơ bản để có những trao đổi sâu hơn với nhà tuyển dụng trong những khoảng cuối của buổi phỏng vấn.

Một khi bạn đã có sự chuẩn bị chu đáo, bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn khi trả lời các câu hỏi và sẽ nhận thấy mình có yêu thích vị trí mà mình dự kiến ứng tuyển hay không.

2.Làm chủ buổi phỏng vấn của bạn

Một buổi phỏng vấn tốt đa phần dựa trên sự chuẩn bị và sự chủ động của ứng viên. Nghĩa là ngoài những câu hỏi của nhà tuyển dụng, bạn cần đủ tự tin và năng lực để làm chủ buổi phỏng vấn của chính mình.

Mục tiêu của nhà tuyển dụng khi phỏng vấn là có thể tiếp xúc với ứng viên một cách hiệu quả và có được cái nhìn toàn diện về ứng viên đó. Không nhất thiết họ phải hỏi đầy đủ tất cả các câu hỏi đã chuẩn bị trước đó mà họ chỉ cần có những câu hỏi đúng và sâu đủ để đưa ra một quyết định tốt nhất. Do đó, bạn cần xác định trước tất cả những thông tin mà bạn muốn chia sẻ về mình với nhà tuyển dụng. Đó là cách để bạn làm chủ buổi phỏng vấn của mình.

Lưu ý nhỏ là trong quá trình phỏng vấn thường sẽ có nhiều người đại diện cho công ty. Đây là cơ hội tốt để bạn có thể hình dung phần nào với công ty thông qua những đại diện này.

3.Tôi phải chuẩn bị như thế nào?

Buổi phỏng vấn tốt của bạn thực sự là việc bạn trả lời câu hỏi này như thế nào. Quá trình chuẩn bị cần được xây dựng theo dạng một danh sách những việc cần làm để chuẩn bị tốt để thật cụ thể và ít thiếu sót nhất. Danh sách này sẽ bao gồm tất cả những gì mà bạn muốn truyền tải để thuyết phục nhà tuyển dụng. Trong đó cũng bao gồm những lưu ý, mong đợi cá nhân của bạn để giúp bạn quyết định có nhận công việc này hay không. Danh sách này sẽ là mảnh giấy tham khảo quan trọng trước buổi phỏng vấn của bạn.

CareerLink.vn mang đến cho bạn vài gợi ý để xây dựng danh sách này cụ thể dưới đây:

– Bạn cần chuẩn bị bảng mô tả công việc và các thông tin về công ty ở bên trái, CV cá nhân ở bên phải và chuẩn bị thêm môt tờ giấy trắng.

– Kết nối những yêu cầu và thông tin công ty ở bên trái với những kinh nghiệm và kỹ năng trong CV của bạn ở bên phải. Dựa vào đó bạn sẽ thấy mức độ phù hợp của bạn với vị trí ứng tuyển, đồng thời có thể bổ sung những kinh nghiệm, kỹ năng cá nhân để phù hợp với các yêu cầu chưa được kết nối (tất nhiên phải dựa trên những gì bạn hiện có) và những kinh nghiệm cá nhân có thể hỗ trợ thêm cho công việc

– Xây dựng danh sách kiểm tra của bạn bằng cách liệt kê các yêu cầu (và thông tin công ty có liên quan) cùng với các ví dụ tốt nhất về năng lực và kinh nghiệm của bạn đáp ứng với nhu cầu đó. Bạn không cần phải viết ra chi tiết, chỉ cần ghi ra một số từ khóa để có thể dễ dàng nhớ và chia sẻ nếu được hỏi.

Quá trình chuẩn bị cho buổi phỏng vấn tốt cũng bao gồm việc tìm hiểu thông tin về công ty, Không chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu những thông tin trên website công ty, bạn có thể tận dụng kho thông tin vô tận của Google để tìm thêm những thông tin này. Hiểu về văn hóa doanh nghiệp và những mục tiêu, sứ mệnh của tổ chức là một điểm ghi lớn của bạn trong buổi phỏng vấn đấy!

Xây dựng checklist của bạn

Để nắm thế chủ động và sử dụng checklist đã lên

Trong quá trình phỏng vấn, ngoài việc được hỏi và trả lời, mục tiêu của bạn là mang những thông tin cơ bản nhất về bạn đến với nhà tuyển dụng nhiều nhất. Những thông tin này bạn đã lên trước đó trong danh sách checklist, do đó cần bám sát checklist mà bạn đã lên. Dưới đây là một số hình thức hỏi và trả lời được nhiều nhà tuyển dụng áp dụng, tùy vào từng loại câu hỏi hãy linh hoạt một chút về cách thức trả lời để ghi điểm ấn tượng nhất.

Câu hỏi trực tiếp

Loại câu hỏi dạng này thường rất cụ thể và cũng yêu cầu có một câu trả lời cụ thể, đại loại như “Bạn có bao nhiêu kinh nghiệm trong lĩnh vực này?” Bạn không chỉ nên chia sẻ những thông tin trong danh sách, mà cũng nên chia sẻ thêm về những thành tích lớn mà bạn đã có được trong lĩnh vực được hỏi.

Câu hỏi gián tiếp

Khi được hỏi những câu hỏi dạng như “Hãy giới thiệu về bản thân bạn” hay “Kinh nghiệm của bạn là gì?”, nhà tuyển dụng không muốn nghe kể về việc bạn đã lớn lên như thế nào, bạn học ở đâu, họ chỉ muốn nghe những ví dụ về công việc và những kỹ năng liên quan đếm công việc. Khi đó hãy sử dụng checklist của bạn để có được những câu trả lời tốt nhất.

Chìa khóa để giải quyết những câu hỏi dạng này là nói về những kinh nghiệm bạn có liên quan đến công việc mà bạn đang phỏng vấn, một cách chân thành và đầy đủ.

Các câu hỏi thông thường

Đây là những câu hỏi “khuôn mẫu” mà bạn đã nghe nhiều lần trong hầu hết các buổi phỏng vấn. Ví dụ “Kế hoạch của bạn trong 5 năm tới như thế nào?”, “Bạn có những ưu, khuyết điểm nào?”, “Vì sao chúng tôi nên tuyển bạn vào vị trí này?”, …

Đối với loại câu hỏi này, bạn nên chuẩn bị trước câu trả lời để đỡ phải bối rối, đồng thời thực hành trước với một người bạn nào đó để xem cảm nhận của họ khi bạn trả lời sẽ như thế nào. Điều này sẽ giúp câu trả lời của bạn dễ được chấp nhận hơn và được điều chỉnh nếu cần thiết.

Ví dụ, đối với câu hỏi “Vì sao chúng tôi nên tuyển bạn vào vị trí này?”, thay vì chỉ nói với hội đồng phỏng về lý do bạn muốn công việc đó, bạn nên nói nhiều hơn, sử dụng dữ liệu từ checklist đã lên trước đó. Cụ thể là nói về: (1) những kỹ năng của bạn; (2) kiến thức của bạn về công ty, thách thức mà họ phải đối mặt, (3) kiến thức học tập của bạn, (4) giá trị của bạn cung cấp cho công ty nếu được tuyển dụng, (5) xu hướng phát triển của bạn dựa trên mô tả công việc.

Trao đổi với người phỏng vấn

Thông thường, cuối mỗi buổi phỏng vấn, hội đồng sẽ có một khoảng thời gian để bạn có thể hỏi thêm những thông tin bạn muốn biết hoặc trao đổi thêm về một nội dung nào đó trong buổi phỏng vấn đã nhắc tới.

Trong quá trình này, hãy chắc chắn bạn có những câu hỏi tốt, thể hiện sự quan sát và nghiên cứu của cá nhân. Thể hiện sự nhiệt tình của bạn khi thu thập dữ liệu trước đó, đồng thời trình bày suy nghĩ của bạn về công ty (với một sự cân nhắc kỹ càng).

Hậu phỏng vấn

Gửi một lá thư cảm ơn thể hiện sự cảm kích của bạn đến những người trong hôi đồng phỏng vấn. Điều này thể hiện sự biết ơn chân thành của bạn khi nhà tuyển dụng đã dành thời gian của họ cho bạn trong buổi phỏng vấn. Email là cách tiết kiệm thời gian nhất, hơn nữa bạn cũng có thể nói thêm về bản thân mình trong nội dung email. Một buổi phỏng vấn tốt bao hàm cả những công việc hậu phỏng vấn như thế này.

Thu Hiền

Sao chép thành công