Ở cấp độ quản lý, đặc biệt khi bộ phận bạn quản lý đang cần tuyển dụng thêm người, bạn sẽ cần đến một số cách phỏng vấn để có thể đạt được kết quả tốt nhất. Nếu bạn không có một người thuộc bộ phận nhân sự để hướng dẫn cho bạn, dưới đây CareerLink giới thiệu một vài cách để bạn có thể chuẩn bị và tiến hành buổi phỏng vấn một cách suôn sẻ.
Cách phỏng vấn ứng viên hiệu quả
Lập danh sách các câu hỏi liên quan trực tiếp đến công việc đang cần tuyển
Nếu bạn không có một mô tả công việc cụ thể, với những kinh nghiệm của bản thân, bạn có thể liệt kê những nhiệm vụ chính của vị trí đó và sau đó tạo nên một danh sách những câu hỏi có liên quan đến công việc này.
Bạn cũng có thể thử đặt ra những tình huống có thể xảy ra trong quá trình làm việc để ứng viên có thể hình dung phần nào công việc của mình.
Chuẩn bị những câu hỏi về hành vi
Bạn có thể bắt đầu những câu hỏi dạng này bằng “Bạn có thể nói cho tôi biết về thời gian khi bạn…”. Ví dụ, Bạn có thể nói cho tôi biết về khoảng thời gian bạn cảm thấy khó khăn nhất trong công việc? Bạn đã vượt qua giai đoạn đó như thế nào?… Tìm hiểu về cách ứng xử của ứng viên trong quá khứ sẽ giúp bạn đánh giá ứng viên hiệu quả hơn.
Xem lại hồ sơ ứng viên trước khi phỏng vấn
Điều này nghe có vẻ hiển nhiên nhưng bằng cách chuẩn bị những câu hỏi phỏng vấn và xem lại thông tin hồ sơ, bạn sẽ cho ứng viên thấy bạn đã dành thời gian để đảm bảo có một cuộc phỏng vấn hiệu quả.
Xem lại hồ sơ ứng viên cũng là một trong những cách để bạn có thể định hình trước và xếp hạng ứng viên dựa trên năng lực được thể hiện trong CV. Dựa trên những thông tin đã có, đối với từng ứng viên bạn sẽ có những câu hỏi nhất định để làm rõ hết những gì còn chưa được thông tin trong hồ sơ xin việc. Quá trình xem lại hồ sơ là bước quan trọng để bạn có thể định hình những câu hỏi đặc thù cho mỗi ứng viên.
Phác họa cấu trúc của buổi phỏng vấn
Một trong những điều quan trọng của cách phỏng vấn hiệu quả là nắm vững cấu trúc của buổi phỏng vấn. Đầu tiên, bạn nên đưa ra một mô tả ngắn gọn về công ty, sau đó đề cập đến các nhiệm vụ công việc. Hãy đưa ra các câu hỏi bạn đã chuẩn bị, đồng thời đưa ra các câu hỏi đào sâu hơn để nắm được khả năng của ứng viên.
Phỏng vấn là quá trình hai chiều, vì vậy bạn cũng nên cho ứng viên khoảng thời gian để đặt câu hỏi về những điều họ thắc mắc. Một phần quan trọng trong buổi phỏng vấn chính là đàm phán lương, thế nên bạn cũng cần chuẩn bị một mức lương có thể chấp nhận được.
Kết thúc buổi phỏng vấn, bạn đừng quên cung cấp thông tin về thời gian nhận được kết quả phỏng vấn cũng như các bước cần làm tiếp theo.
Không nói quá nhiều trong buổi phỏng vấn
Nhà tuyển dụng chỉ nên nói khoảng 30% trong quá trình phỏng vấn. Hãy dành thời gian để các ứng viên thể hiện kỹ năng và trình độ của họ trong quá trình này. Tuy nhiên, bạn vẫn phải đảm bảo đã hỏi đầy đủ các câu hỏi và không bỏ lỡ bất cứ điều gì.
Thể hiện thái độ chuyên nghiệp
Đúng giờ là biểu hiện đầu tiên của sự chuyên nghiệp. Đừng để ứng viên chờ đợi bạn quá lâu chỉ vì bạn cố gắng làm xong công việc còn dang dở.
Bên cạnh đó, bất cứ ứng viên nào cũng sẽ căng thẳng khi phỏng vấn. Bạn hãy tạo không khí thoải mái nhằm giúp ứng viên bớt lo lắng như nở một nụ cười hay nói một câu nói vui.
Chú ý đến những cử chỉ phi ngôn ngữ
Cũng như cách bạn chú ý đến cách ăn mặc và tìm kiếm những ứng viên phù hợp, các ứng viên cũng đang tìm kiếm những tín hiệu ngầm từ phía nhà tuyển dụng. Hãy chắc chắn giọng nói cũng như lời nói của bạn là phù hợp và chuyên nghiệp. Ăn mặc như bình thường khi bạn đi làm và chú ý đến cách cư xử của bạn nhé. Hãy nhớ rằng bạn là một đại diện của công ty và các bộ phận của bạn, do đó hãy để những hành động của bạn phản ánh đúng những điều này.
Để trở nên lịch sự và chuyên nghiệp, bạn không nên tỏ ra quá thân mật
Hãy chỉ đưa ra những câu hỏi liên quan đến công việc. Bởi nếu bạn dành thời gian để nói về các vấn đề cá nhân, bạn có thể đưa ra quyết định không công bằng bởi bạn thích ứng viên đó hơn là người thực sự có năng lực cho công việc.
Hi vọng với những cách phỏng vấn trên sẽ giúp bạn sẽ có những buổi phỏng vấn suôn sẻ và tìm được ứng viên phù hợp. Chúc bạn thành công với việc tuyển dụng nhân viên mới.
Thu Hiền
Author Profile
Latest entries
- Nghệ thuật quản lý2024.09.04Điều gì xảy ra nếu đặt kỳ vọng thiếu thực tế cho nhân viên?
- Bí quyết tuyển dụng2024.08.26Thổi phồng công việc để thu hút ứng viên, lợi hay hại?
- Nghệ thuật quản lý2024.08.19Nên làm gì với những nhân viên thiếu tự tin?
- Bí quyết tuyển dụng2024.08.12Xử lý khéo khi ứng viên xin việc làm “bùng” phỏng vấn